Phát triển đô thị phải gắn liền với tăng trưởng bền vững

Các đô thị là nơi đóng góp phần giá trị GDP, giá trị công nghiệp - dịch vụ và giá trị tăng trưởng nền kinh tế, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hiện nay. Để phát triển đô thị bền vững ở nước ta, nhất là các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội cần phải hướng tới mục tiêu phát triển đó là: Thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại. Đây chính là phương châm để phát triển đô thị bền vững.
1-1716890090.jpg
Ông Dominik Meichle - Chủ tịch EuroCham Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Toà nhà cao tầng.

Ngày 28/5/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam) và Tiểu ban xây dựng đã tổ chức Diễn đàn Toà nhà cao tầng. Diễn đàn được hỗ trợ bởi Hội đồng Nhà cao tầng và Môi trường sống Đô thị, đã quy tụ các bên liên quan từ ngành xây dựng và Chính phủ để thảo luận về những thách thức và cơ hội phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam.

Các thành phố đang phát triển nhanh chóng ở Việt Nam phải đối mặt với một thách thức quan trọng đó là cân bằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng với việc bảo vệ môi trường. Diễn đàn Toà nhà cao tầng được tổ chức nhằm mục đích giải quyết thách thức này, tạo ra một cuộc đối thoại sôi nổi về công nghệ và chiến lược nhằm đảm bảo quá trình mở rộng đô thị của Việt Nam nhanh chóng, mạnh mẽ và có trách nhiệm với môi trường.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Dominik Meichle - Chủ tịch EuroCham Việt Nam chia sẻ: “Hợp tác quốc tế là nền tảng để đạt được những mục tiêu thành phố xanh, văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Diễn đàn được tổ chức là cơ hội đặc biệt để Việt Nam và Châu Âu cùng nhau thảo luận về tình hình hiện tại của các thành phố. Thông qua hợp tác, chúng ta có thể xây dựng môi trường đô thị không chỉ ấn tượng hơn mà còn có ý thức hơn về môi trường”.

Ông Michel Cassagnes - Chủ tịch Tiểu ban Xây dựng thuộc EuroCham nhấn mạnh trách nhiệm chung về phát triển bền vững: “Tương lai của các thành phố phụ thuộc vào cam kết chung của chúng ta. Chúng ta cần xây dựng thành phố thông minh hơn chứ không chỉ rộng lớn hơn. Diễn đàn đã mở đường cho những cách tiếp cận có lợi cho cả nền kinh tế và môi trường đối với các đô thị tại Việt Nam”.

2-1716890133.jpg
Ông Michel Cassagnes - Chủ tịch Tiểu ban Xây dựng thuộc EuroCham phát biểu tại Diễn đàn Toà nhà cao tầng.

Tại diễn đàn, ý kiến của đại diện các cơ quan của Chính phủ và các công ty trong ngành xây dựng từ The Global City đã góp phần làm phong phú hơn các phiên thảo luận thông qua những chia sẻ về công nghệ tiên tiến, vật liệu xây dựng bền vững và chiến lược thiết kế sáng tạo. Diễn đàn đã giải quyết các vấn đề cấp bách như tích hợp các tòa nhà cao tầng vào cảnh quan đô thị hiện có, đảm bảo khả năng chi trả và tính toàn diện, đồng thời giảm thiểu tác động môi trường của các tòa nhà cao tầng.

Cam kết phát triển đô thị bền vững đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. EuroCham Campuchia sẽ tiếp tục diễn đàn này vào ngày 30/5/2024 tại Phnom Penh, đồng thời nhấn mạnh sự đóng góp không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu cho sự tăng trưởng và đổi mới có trách nhiệm trên khắp Đông Nam Á.

Ông Martin Brisson - Giám đốc Điều hành của EuroCham Campuchia bày tỏ: “Chúng tôi rất phấn khích khi được tổ chức lại Diễn đàn Tòa nhà Cao tầng lần này cùng với các đối tác tại EuroCham Việt Nam. Chúng tôi sẽ khám phá tầm quan trọng của sự bền vững trong xây dựng hiện đại, môi trường pháp lý cho các tòa nhà cao tầng và triển vọng về các tòa nhà cao tầng giá cả phải chăng trong tương lai. Chúng tôi cũng tự hào được trưng bày một số công trình xuất sắc nhất của sinh viên kiến trúc Campuchia, những người sẽ trình bày thiết kế của họ tại diễn đàn như một phần của cuộc thi thiết kế tòa nhà cao tầng”.

3-1716890181.jpg
Các phiên thảo luận trong khu khổ Diễn đàn Toà nhà cao tầng đã nhận được rất nhiều các ý kiến, chia sẻ thiết thực của các chuyên gia nhằm phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam.

Thời gian qua, Tiểu ban Xây dựng thuộc EuroCham hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam để định hình tương lai của các thành phố Việt Nam. Thông qua chia sẻ kiến thức và đối thoại cởi mở, Tiểu ban đặt mục tiêu tạo ra một ngành xây dựng thịnh vượng và bền vững, ưu tiên an toàn và đổi mới. Năm nhóm hoạt động chuyên môn của Tiểu ban đã tích cực tham gia với các nhà hoạch định chính sách, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc và kiến thức chuyên môn về các thành phố và tòa nhà bền vững, chữa cháy, các thực hành tiêu biểu, tiêu chuẩn và việc sử dụng đất.

Thông qua hoạt động của mình, Tiểu ban Xây dựng cam kết phát triển các chính sách và quy định hỗ trợ việc áp dụng các vật liệu thân thiện với môi trường và các hoạt động kiến trúc bền vững. Bằng cách áp dụng cách tiếp cận này, ngành xây dựng của Việt Nam có thể dẫn đầu khu vực với các sáng kiến phát thải thấp, khẳng định là quốc gia chủ chốt trong việc thu hút FDI xanh./.

Đạm Quang Lê