Phát triển cây Mét nguyên liệu tại Con Cuông tạo sinh kế cho đồng bào

Nhiều năm trở lại đây, cây Mét (một giống tre ở địa phương) trở thành cây hàng hoá của đồng bào Thái ở Con Cuông (Nghệ An). Để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều hộ đã quy hoạch lại vùng trồng, tiếp cận kỹ thuật trồng và thử nghiệm trồng cây trúc nguyên liệu dần thay thế diện tích Mét đã thoái hoá.
z2974669403765-5a5ab0ba75b08e78e46b4ab1cb4d1bdc-1638794744.jpg
Nhiều năm trở lại đây, cây mét trở thành cây hàng hoá của đồng bào Thái ở huyện Con Cuông (Nghệ An)

Thời điểm này, gia đình anh Lộc Văn Ngoan (bản Bãi Gạo, xã Châu Khê, Con Cuông) có hơn 1ha trồng mét, mỗi lứa thu hoạch khoảng 25 tấn mét. Với giá thị trường hiện nay, 1ha Mét gia đình anh thu về khoảng 25-30 triệu đồng mỗi năm, trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 15-20 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên, anh Ngoan cho biết: “Mét là dạng cây lưu gốc nên trồng 1 lần cho thu hoạch chu kỳ 40-50 năm, không tốn công chăm sóc, thu hoạch luân phiên. Mấy năm gần đây, giá Mét tăng, thương lái thu mua tận nơi nên người dân rất phấn khởi”.

z2974669393970-959558ec922e2a4a2a94262be9435cc4-1638794817.jpg
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều hộ đã quy hoạch lại vùng trồng

Với diện tích 7ha trồng, khoanh nuôi và bảo vệ, gia đình ông Lô Văn Tiếp (bản Khe Rạn, xã Bồng Khê) mỗi năm có thu nhập khoảng 150 triệu đồng từ cây nguyên liệu này. Nhờ có cây Mét mà ông xây được nhà, mua sắm được tiện nghi phục vụ cuộc sống. Ngoài bán cây Mét nguyên liệu thì còn bán măng nên kinh tế gia đình ngày càng khấm khá…”.

Như trước đây, cây Mét được trồng manh mún, nhỏ lẻ, chỉ phục vụ đan lát của các hộ dân thì nay, đi đôi với việc khoanh nuôi bảo vệ diện tích sẵn có, cây Mét được bà con trồng với diện tích lớn, quy hoạch thành vùng và trở thành vùng nguyên liệu. Theo thống kê sơ bộ, hiện toàn huyện Con Cuông có diện tích Mét nhiều nhất Nghệ An với hơn 3.000ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 1,5 triệu cây Mét cho thu nhập hàng chục tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng Nông Nghiệp & PTNT huyện Con Cuông cho biết: Cây mét ở Con Cuông phân bổ ở 11 xã trên địa bàn, trong đó, chủ yếu tập trung ở Châu Khê, Bồng Khê, Chi Khê, Bình Chuẩn, Lạng Khê, Lục Dạ… và trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương. Hiệu quả kinh tế cây Mét đem lại cao gấp 3 - 4 lần cây keo. Ngoài ra, nó còn có tác dụng bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở”.

z2974669404574-5a84e52df69ef89efd4a5c95082bae19-1638794870.jpg
cây mét trở thành cây nguyên liệu hàng hoá phục vụ ngành hàng mây tre đan

Hiện nay, cây mét trở thành cây nguyên liệu hàng hoá phục vụ ngành hàng mây tre đan; làm nguyên liệu giấy, phục vụ các công trình xây dựng, mỹ thuật công nghiệp… Do đó, giá trị cây Mét ngày càng được nâng cao. Hiện trên địa bàn huyện Con Cuông, ngoài các làng nghề mây tre đan truyền thống còn có các doanh nghiệp, xưởng sản xuất sử dụng nguyên liệu mét sẵn có tại địa phương được thị trường ưa chuộng, một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài đã tạo ra hướng mở nâng cao giá trị cây Mét, giúp bà con yên tâm sản xuất, tạo sinh kế bền vững từ trồng và bảo vệ rừng.

z2974669391603-6ef945b27c9ee79fe102780c8d650337-1638794934.jpg
Cây Mét đã thực sự trở thành vùng nguyên liệu

Anh Thái Bá Tiến, chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ tre Mét cho biết: “Trước đây, người dân đang trồng tre mét theo hướng tự phát, chưa có quy hoạch, chưa theo kỹ thuật nên mật độ dày, cây mét chậm phát triển, kích thước, kiểu dáng mét chưa đạt chuẩn lại khó thu hoạch. Một số giống Mét năng suất chưa cao. Mỗi năm, công ty của em bao tiêu và liên kết bao tiêu cho bà con khoảng 500.000 cây Mét. Hiện, chúng tôi đang trồng thử nghiệm 2ha cây trúc giống mới, cấp giống cho bà con trong vùng trồng thử, nếu cho năng suất cao, chất lượng tốt sẽ tiến tới thay thế diện tích cây Mét đã thoái hoá”./.

Bài, ảnh: Mỹ Hà