Phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào dân tộc Mông tại Thanh Hóa

Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
nguoi-uy-tin-1713851721.jpg
Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng người uy tín trong cộng đồng người Mông diễn ra trong hai ngày 23 và 24 tháng 4.

Ngày 23/4, tại TP Sầm Sơn, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ cơ sở, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc Mông năm 2024.

Chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác dân vận trong tình hình mới; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của đồng bào các DTTS nói chung, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông; tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tại chương trình tập huấn, các đại biểu đại diện vùng đồng bào dân tộc Mông của 3 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa và Người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa sẽ được các báo cáo viên là lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) giới thiệu các chuyên đề: Thực trạng công tác dân vận ở vùng biên giới; kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân vận của Bộ đội Biên phòng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và biên giới trong tình hình mới; Thực trạng và giải pháp công tác tôn giáo trong vùng đồng bào DTTS nói chung, vùng đồng bào dân tộc Mông trong tình hình mới.

Đồng thời, Chương trình góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các DTTS, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập hợp, đoàn kết Nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện miền núi và các xã vùng đồng bào dân tộc Mông.

Thanh Hóa có 11 huyện miền núi và 04 huyện giáp ranh có xã, thị trấn miền núi và 02 huyện, thị xã có thôn miền núi với 174 xã, 1.551 thôn bản, khu phố. Trên địa bàn khu vực này hiện có 1.300 Người có uy tín. Đây là lực lượng đặc biệt, có vai trò hết sức quan trọng là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên các lĩnh vực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương.

Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số có đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của miền núi, vùng cao tỉnh Thanh Hóa. Họ là những người làm “cầu nối ý Đảng, lòng dân”, định hướng, dẫn dắt văn hóa ứng xử cho cộng đồng của mình, giải quyết những vấn đề phức tạp trong đời sống xã hội, vận động, tuyên truyền cho cộng đồng tránh xa tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới./.

Hà Khải