Phát hiện dấu tích người tiền sử từ hàng ngàn năm trước ở Krông Nô

Nhiều hiện vật là dấu tích của người tiền sử từ hàng ngàn năm trước đã được đoàn khảo sát địa chất phát hiện và thu thập trong quá trình khai quật khu vực ở thôn 7, xã Đắk Drô (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).

Thông tin do ông Vũ Tiến Đức - đại diện Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cung cấp. Theo đó, sau nhiều ngày tiến hành khai quật 2 hố với diện tích 26m2. Đoàn đã phát hiện nhiều hiện vật thời tiền sử được cho là xuất hiện từ hàng ngàn năm trước. Qua đó, nhận định đây là một di tích tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển thời tiền sử của vùng Tây Nguyên.

doan-khai-quat-doan-da-phat-hien-nhieu-hien-vat-thoi-tien-su-tai-huyen-krong-no-1710843037.jpg
Đoàn khai quật đoàn đã phát hiện nhiều hiện vật thời tiền sử tại huyện Krông Nô

Sau khi phát hiện các hiện vật trên, Hội khảo cổ học Việt Nam đã gửi báo cáo cho UBND tỉnh Đắk Nông đề xuất những biện pháp để tiếp nghiên cứu, khai quật những di tích này. Đồng thời, những hiện vật khai thác được sẽ được Cục Di sản văn hóa kiểm nghiệm và công bố kết quả.

danh-dau-chup-hinh-cac-dia-diem-phat-hien-hien-vat-de-luu-tu-lieu-1710843006.jpg
Đánh dấu, chụp hình các địa điểm phát hiện hiện vật để lưu tư liệu

Trước đó, vào khoảng tháng 5/2022 Đoàn khảo sát địa chất của Tiến sĩ La Thế Phúc (Hội khảo cổ học Việt Nam) đã phát hiện xung quanh sườn đồi ở hệ thống thung lũng cổ huyện Krông Nô có những hiện vật bằng đá thạch anh. Những hiện vật này được phân bố trên diện rộng, có nhiều nét tương đồng với đồ vật của thời kỹ nghệ An Khê .

di-tich-va-cac-hien-vat-duoc-phat-hien-duoc-du-doan-la-lau-doi-nhat-tinh-dak-nong-1710842869.jpg
Di tích và các hiện vật được phát hiện được dự đoán là lâu đời nhất tỉnh Đắk Nông

Cách đây 6 năm, vào năm 2018, giới khoa học Việt Nam đã phát hiện ra trong các hang động núi lửa ở Krông Nô (Đắk Nông) có các dấu tích cư trú của người tiền sử. Đặc biệt, có dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6 đến 7 nghìn năm.

danh-dau-chi-tiet-tung-vi-tri-hien-vat-duoc-va-cac-thong-tin-khi-khai-quat-duoc-1710842978.jpg
Đánh dấu chi tiết từng vị trí hiện vật được và các thông tin khi khai quật được

Đắk Nông là một trong 3 tỉnh của Việt Nam sở hữu Công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông thành lập vào năm 2015 và đến năm 2020, được UNESCO chính thức công nhận. Khám phá mới này khẳng định rõ nét Đắk Nông từng là nơi cư trú của người tiền sử từ xa xưa có niên đại hàng ngàn, hàng chục nghìn năm

Công viên địa chất Đắk Nông có diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 5 huyện: Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong và thành phố Gia Nghĩa. Đây là một vùng đất đỏ trù phú với hệ sinh thái rừng nhiệt đới, lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học. Ngoài ra, nơi này còn mang nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên và dấu tích hoạt động của người tiền sử./.

Hồng Giang