Biến thể Omicron sẽ không thể làm "lung lay" tăng trưởng của Pháp trong năm nay. Bộ trưởng Bruno Le Maire khẳng định mặc dù làn sóng dịch thứ năm bùng nổ do sự siêu lây nhiễm của biến thể này, nhưng nền kinh tế Pháp sẽ "không có nguy cơ bị tê liệt". Theo ông, làn sóng dịch bệnh mới này chắc chắn sẽ tạo ra sự "rối loạn" nhất định do số người phải nghỉ cách ly tăng vọt. Trung bình trong bảy ngày qua, hơn 167.000 người đã bị mắc COVID-19 mỗi ngày. Thậm chí có những ngày con số này vượt ngưỡng 250.000 người, theo số liệu từ Cơ quan Y tế Công cộng Pháp. Sự bùng nổ của các trường hợp mắc COVID-19 đã kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng người phải nghỉ việc do ốm hoặc tiếp xúc với người bệnh, khiến cho hoạt động ở khu vực tư nhân cũng như nơi công sở rơi vào tình trạng mất ổn định.
Tuy nhiên, theo Bruno Le Maire, các biện pháp mà chính phủ đưa ra sẽ giúp hạn chế tình trạng rối loạn trên một cách tối đa. Trên thực tế, chính phủ đã tuyên bố tăng cường cơ chế hỗ trợ cho các lĩnh vực gặp khó khăn. Đồng thời, các biện pháp y tế cũng được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và nhằm mục đích hạn chế số lượng người mắc COVID-19 mà không ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong số đó có việc giảm thời gian cách ly đối với những người mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc với ca bệnh, tăng thời lượng làm việc từ xa bắt buộc lên ba ngày một tuần hoặc thậm chí bốn ngày, và kể từ ngày 3/1 giới hạn các cuộc hội họp tụ tập ở mức 2.000 người trong nhà và 5.000 người ngoài trời. Với các biện pháp này, Bộ trưởng cho biết có thể duy trì dự báo GDP tăng trưởng 4% cho năm 2022, một con số mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đang ước tính.
Cũng theo Bộ trưởng Bruno Le Maire, dự báo này càng khả thi hơn khi Pháp bắt đầu năm 2022 trên đà phát triển mạnh mẽ được ghi nhận vào cuối năm ngoái. Bộ trưởng cho biết ước tính tăng trưởng trong năm 2021 sẽ cao hơn "đáng kể" so với dự báo của chính phủ, hiện đang ở mức 6,25%. Ông đảm bảo rằng các khoản thu thuế bổ sung nhờ mức tăng trưởng cao hơn dự kiến này sẽ góp phần giảm nợ công và "giảm đáng kể thâm hụt ngân sách năm 2021, ở mức dưới 8% GDP ”, trong khi mục tiêu của chính phủ là 8,2% GDP./.