OPEC: Thiếu đầu tư có thể khiến nguồn cung giảm và chi phí năng lượng gia tăng

Trong báo cáo "Triển vọng Dầu mỏ Thế giới 2021" công bố ngày 28/9, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo việc thiếu đầu tư vào ngành dầu khí có thể khiến nguồn cung thắt chặt hơn và đẩy giá năng lượng đi lên, từ đó có thể đe dọa đà phục hồi còn yếu của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch COVID-19.
gi-dau-tang-1632880484.jpg
OPEC: Thiếu đầu tư có thể khiến nguồn cung giảm và chi phí năng lượng gia tăng. Ảnh minh họa

OPEC đưa ra cảnh báo trên giữa lúc các thị trường ghi nhận sự phục hồi khá mạnh của nhu cầu năng lượng toàn cầu, yếu tố đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung và đẩy giá năng lượng gia tăng. Báo cáo của OPEC cho biết, sự chuyển dịch sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn và tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến đầu tư vào ngành sản xuất dầu khí giảm khoảng 30% trong năm 2020.

OPEC lưu ý rằng nếu không có các khoản đầu tư cần thiết, các thị trường năng lượng có thể biến động mạnh hơn và tình trạng thiếu hụt năng lượng trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi toàn cầu. Giá khí đốt ở châu Âu và châu Á đang ở gần mức cao kỷ lục, trong khi giá khí đốt ở Mỹ ghi nhận mức cao nhất trong 7 năm. Giá than đá cũng đã ghi nhận các mức cao kỷ lục, còn giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất trong ba năm qua.

Mặc dù tương đối lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, song OPEC đã cảnh báo về nguy cơ suy giảm nhu cầu dầu mỏ trong trung hạn. Tổ chức này quan ngại rằng những lo lắng về tốc độ và quỹ đạo của sự phục hồi này có thể ảnh hưởng tới thị trường năng lượng toàn cầu. Báo cáo của OPEC trích dẫn những lo ngại về sự lây lan của các biến thể COVID-19, áp lực lạm phát, và khả năng các ngân hàng trung ương ngừng các chương trình nới lỏng định lượng quy mô lớn.

OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ tăng và đạt mức tương tự như trước đại dịch COVID-19 là 104,4 triệu thùng/ngày vào năm 2026. Tuy nhiên, OPEC cho rằng gần 80% mức tăng nhu cầu sẽ được hình thành trong vòng ba năm đầu tiên (2021-2023), chủ yếu nhờ quá trình phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Nhu cầu dầu mỏ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến sẽ tăng gần 4 triệu thùng/ngày trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, nhưng OPEC cho rằng mức tăng này sẽ không đủ để đưa nhu cầu trở lại các mức trước đại dịch COVID-19. Nhu cầu của các nền kinh tế ngoài OECD dự kiến sẽ tăng gần 10 triệu thùng/ngày trong trung hạn, chủ yếu nhờ dân số ngày càng gia tăng và các nền kinh tế ngày càng phát triển ở châu Á, châu Phi và Trung Đông.

Nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc, Nhật Bản và toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói chung sẽ tăng mạnh mẽ từ khoảng 23,5 triệu thùng/ngày năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lên gần 30 triệu thùng/ngày vào năm 2045. Xuất khẩu dầu thô của Trung Đông sang khu vực này được dự báo sẽ đạt hơn 19,5 triệu thùng/ngày vào năm 2045, cao hơn khoảng 4,8 triệu thùng/ngày so với năm 2019.

OPEC dự báo nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng 28% trong giai đoạn 2020-2045, khi quy mô nền kinh tế toàn cầu dự kiến tăng gấp đôi giai đoạn này. Báo cáo của OPEC cho biết thêm nhu cầu đối với tất cả các loại năng lượng sẽ tăng ngoại trừ than đá. Năng lượng tái tạo được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất, tiếp đến là khí đốt, song dầu mỏ dự kiến sẽ vẫn giữ vị trí số một trong cơ cấu năng lượng./.

Nguyễn Trường