Ngày 24/9, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonia Guterres đã kêu gọi thế giới nhân đôi các nỗ lực chuyển đổi năng lượng để đảo ngược tình trạng khẩn cấp về khí hậu và giải quyết vấn đề thiếu năng lượng toàn cầu.
Theo ông Guterres, đây là yêu cầu kép, vừa để chấm dứt tình trạng thiếu năng lượng vừa để hạn chế biến đổi khí hậu, và câu trả lời chính xác nhất là năng lượng giá cả phải chăng, có thể tái tạo và bền vững.
Phát biểu của ông Guterres được đưa ra trong bối cảnh các chính phủ và khu vực tư nhân trên toàn thế giới vừa cam kết dành hơn 400 tỷ USD nhằm tăng cường các nỗ lực đảo ngược tình trạng biến đổi khí hậu và mang điện đến cho hơn 760 triệu người dân trên thế giới đang thiếu điện sử dụng. Hơn 35 chính phủ và một số công ty lớn như TotalEnergies, Chneider Electric và Google đã cùng tham gia cam kết này. Theo LHQ, cam kết trên sẽ giúp củng cố theo hướng bền vững hệ thống năng lượng toàn cầu, hiện đang sản sinh ra khoảng 75% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trong những cam kết chi kể trên có những dự án nhằm mở rộng cung cấp điện tại các nước đang phát triển, thúc đẩy các công nghệ nấu ăn thân thiện với môi trường và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, nhằm giảm khí thải carbon trong hệ thống năng lượng. Tổng thư ký LHQ Guterres nhận định tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu đã có những tiến bộ nhất định, với năng lượng tái tạo đóng góp 29% sản lượng điện toàn cầu. Tuy nhiên, ông cho rằng tiến bộ này chưa đạt tốc độ mong muốn và chặng đường tiến tới mục tiêu đảm bảo năng lượng sạch và giá cả phải chăng cho toàn dân còn rất xa.
Ông Guterres nhấn mạnh, đến năm 2030, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới cần phải giảm 45% so với mức ghi nhận năm 2010 mới có thể hạn chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C. Do đó, ông kêu gọi tăng gấp bốn lần năng lực sản xuất điện gió và điện Mặt Trời trong khoảng thời gian này, góp phần thúc đẩy tăng gấp 3 lần đầu tư cho năng lượng tái tạo và các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả lên mức 5.000 tỷ USD mỗi năm. Lãnh đạo LHQ cũng kêu gọi chính phủ các nước loại bỏ các chương trình hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nhiên liệu hóa thạch./.
Lê Minh (Theo AP)