OECD nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá kinh tế toàn cầu đã và đang trên đà cải thiện, trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt. Dự báo mức tăng trưởng 2,6% trong năm nay.

OECD đã nâng mức dự báo tăng trưởng cho các nền kinh tế lớn trên thế giới, song cũng cho rằng tình trạng tăng lãi suất sẽ khiến các rủi ro duy trì ở mức cao. Được biết, mức tăng trưởng mới được OECD đưa ra cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó được đưa ra hồi tháng 11 năm trước.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế toàn cầu mang tên "Sự phục hồi mong manh", OECD cho rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,6% trong năm nay, tăng so với mức dự báo 2,2% được tổ chức này đưa ra tháng 11/2022, nhưng vẫn ở dưới mức tăng trưởng thực tế 3,2% ghi nhận hồi năm ngoái.

Đối với kinh tế Mỹ, OECD đã nâng dự báo cho năm nay nhưng lại điều chỉnh ước tính cho năm 2024 đi xuống. Theo đó, tổ chức này dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng 1,5% trong năm 2023 (so với 0,5% hồi tháng 11/2022) nhờ thị trường lao động tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Nhưng đà tăng này sẽ chậm lại xuống 0,9% (từ ước tính 1% trước đó) trong năm 2024, do lãi suất cao làm giảm nhu cầu.

r6siynskprl7rpzo4tdeifpvvu-7951-1679131687.jpg

OECD dự báo kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng 2,6%. Ảnh minh họa.

Cũng theo OECD, việc giá năng lượng - lương thực giảm và Trung Quốc đã nới lỏng các biện pháp hạn chế để chống dịch COVID-19 là nguyên nhân khiến họ hy vọng về một năm tươi sáng hơn của kinh tế thế giới.

Cụ thể, được hỗ trợ bởi việc nới lỏng các biện pháp chống dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 5,3% trong năm nay và 4,9% vào năm 2024, cải thiện hơn so với dự báo tháng 11 năm ngoái lần lượt là 4,6% và 4,1%.

Triển vọng của Eurozone cũng sáng hơn nhờ giá năng lượng giảm. Khối 20 quốc gia này dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm 2023 và 1,5% vào năm 2024. OECD trước đó đã dự báo mức tăng trưởng cho Eurozone lần lượt là 0,5% và 1,4% trong năm nay và năm tới.

Theo OECD, các dấu hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, với tâm lý doanh nghiệp và niềm tin người tiêu dùng bắt đầu được cải thiện, giá lương thực và năng lượng giảm trở lại, cũng như việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn. Song tổ chức này cũng cảnh báo rằng sự cải thiện cho triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh. Rủi ro đã trở nên cân bằng hơn một chút, nhưng vẫn nghiêng về hướng gây suy yếu.

OECD viện dẫn những yếu tố không chắc chắn trong cuộc xung đột ở Ukraine, nguy cơ xảy ra áp lực mới đối với thị trường năng lượng và tác động của việc tăng lãi suất. Sang năm tới, tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ lên mức 2,9% - cải thiện hơn so với dự báo tháng 11/2022 là 2,7% - khi ảnh hưởng từ giá năng lượng cao đến thu nhập hộ gia đình giảm dần.

Thi Nguyên (t/h)