Nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi, quây lưới cá tự vào một tháng thu hoạch hàng chục triệu

Mùa nước nối ở một số địa phương tỉnh Sóc Trăng người dân tận dụng nước tràn đồng quây lưới nuôi cá gọi là nuôi đăng quầng. Phương thức canh tác thuận thiên giúp nông dân giảm chi phí, tận dụng lợi thế tự nhiên để nâng cao thu nhập khi mỗi vụ cá thu về hàng chục triệu đồng.
nuoi-ca-dang-quang-4-1729301163.jpg
Nuôi cá đăng quầng mùa nước tràn đồng khá phổ biến ở vùng trũng tỉnh Sóc Trăng.(Ảnh Thạch Hồng)

Nuôi cá đăng quầng không tốn chi phí

Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thuộc khu vực vùng trũng nên hằng năm, mùa nước nổi kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11. Đây là thời điểm đã thu hoạch xong vụ lúa Hè - Thu, nước tràn về trên khắp các cánh đồng. Tận dụng nguồn nước trên đồng, nông dân tại một số địa phương trên địa bàn thị xã Ngã Năm nuôi cá đăng quầng (đăng bằng lưới quản lý cá trên ruộng); nuôi cá trong vèo; nuôi cá trong bờ bao để tăng thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Thanh Long, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm chia sẻ: "Tôi nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi từ năm 1995 đến nay. Nuôi cá trong mùa này hông tốn chi phí mua con giống hay thức ăn. Hình thức nuôi cá rất đơn giản. Sau thu hoạch lúa Hè - Thu, nước từ thượng nguồn đổ về đem lại lượng phù sa và nhiều loại thủy sản nước ngọt như: cá lóc, cá sặc, cá rô, tép…

Để quản lý tốt lượng cá đồng trên, với 4ha đất canh tác của gia đình, tôi sẽ dùng lưới bao quanh hết cả diện tích đất trên. Sau 1 tháng bao giữ cá trên đồng, tôi dùng lưới giăng bắt cá hằng ngày, thu hoạch từ 5 - 7kg cá các loại, kiếm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày. Hơn 2 tháng giữ nước trên đồng để nuôi cá tự nhiên thì tiến hành tháo nước ra khỏi ruộng vừa thu hoạch cá, vừa chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông - Xuân. Diện tích 4ha nuôi cá đăng quầng, ước sản lượng thu về hằng năm gần 1 tấn cá các loại, đem về thu nhập hơn 50 triệu đồng".

nuoi-ca-dang-quang-1-1729301213.jpg
Ông Nguyễn Thanh Long (bên phải), xã Long Bình, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) bên ruộng cá đăng quầng trong mùa nước nổi, đem về thu nhập hàng chục triệu đồng/mùa nước. (Ảnh Thúy Liễu)

Diện tích nuôi cá đăng quầng trong ruộng lúa trên địa bàn thị xã Ngã Năm là 153ha, cá nuôi tập trung chủ yếu tại các xã: Vĩnh Quới, Long Bình, Mỹ Bình và Phường 2. Ngoài nuôi cá đăng quầng trong thời điểm mùa nước nổi, người dân còn tận dụng bờ bao, ao trữ cá đồng để quản lý nuôi cá đồng tự nhiên để thực hiện mô hình lúa - cá. Cá sau thu hoạch được tiêu thụ tại các chợ địa phương trên địa bàn thị xã và được vận chuyển đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn... Ngoài ra, từ nguồn cá đồng, nông dân còn chế biến các loại mắm cá rô không xương, mắm cá lóc đồng, được thị trường ưa chuộng. Từ các hình thức nuôi cá trên đồng ruộng, hiệu quả kinh tế đem lại cho nông dân trong mùa nước nổi là hơn 10 triệu đồng/ha.

Theo ông Kim Thái Phong - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm cho biết, để phát triển nuôi cá đồng trên địa bàn thị xã trong thời gian tới, đặc biệt là nuôi cá đăng quầng trong mùa nước nổi, thị xã có định hướng sẽ xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm cá đồng trong và ngoài tỉnh; xây dựng thương hiệu sản phẩm cá đồng đặc trưng của địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển các loại hình nuôi thủy sản kết hợp, gắn với đa dạng các sản phẩm thông qua chế biến tạo giá trị gia tăng như: khô, mắm, chả cá. Để thực hiện được các mục tiêu trên, thị xã sẽ phát triển diện tích nuôi cá đăng quầng hằng năm trên địa bàn thị xã là 240ha; hỗ trợ người nuôi cá về con giống như: cá trê vàng, cá rô, cá lóc. Cùng với đó, phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn hỗ trợ người dân quản lý kỹ thuật trong quá trình nuôi cá và sẽ tiếp tục nhân rộng việc nuôi cá đăng quầng trong các năm tiếp theo, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân canh tác lúa.

Tạo nguồn thu khi chờ nước rút để sản xuất lúa vụ Đông Xuân

Tại xã Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú) có địa hình trũng thấp. Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu xong, khoảng tháng 8 nước bắt đầu từ thượng nguồn đổ về kết hợp trời mưa, nước dâng lên ngập đồng nên người dân ở đây thường bỏ đồng, không trồng lúa.

Những năm gần đây, để khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên trên đồng ruộng, bà con đã đầu tư mua lưới bao quanh ruộng thực hiện mô hình nuôi cá đăng quầng. Cách làm này giúp bà con có thu nhập trong thời gian bỏ đồng chờ nước rút để sản xuất lúa vụ Đông Xuân.

Từ vài hộ đầu tiên, hiện nay mô hình đã phát triển ở hầu hết tất cả các ấp trên toàn xã Mỹ Tú. Như ở ấp Mỹ Hoà, lâu nay bà con thường bỏ đồng không sản xuất trong mùa nước tràn đồng. Nhưng 2 năm nay, sau khi tham quan, tìm hiểu biết được hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá đăng quầng mang lại, năm ngoái đã có vài hộ kết hợp nhau thực hiện mô hình.

nuoi-ca-dang-quang-2-1729301149.jpg
Nhiều nông dân ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Tú kiếm thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi. (Ảnh Thạch Hồng)

Ông Phạm Văn Đổi, ở ấp Mỹ Hoà cho hay, năm ngoái cả nhóm đã chọn 10ha ruộng để bao lưới xung quanh. Ngoài cá đồng còn thả thêm 50kg cá giống. Cuối vụ cũng thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, mùa nước nổi năm nay, nhóm tiếp tục mở rộng diện tích lên 20ha với gần 10 hộ tham gia. Ông Đổi cho biết, cá nhanh lớn nên thu nhập dự kiến sẽ còn cao hơn nhiều.

Cũng theo ông Đổi, vụ này, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú hỗ trợ trên 300 kg cá giống và lưới bao quanh ruộng, nông dân đối ứng vốn 50%. Đến hôm nay, trọng lượng cá đạt khoảng từ 3-5 con/kg, ruộng phía bên kia thả trước, cá đạt trọng lượng lớn hơn khoảng 2 con/kg, còn cá chép thì nhanh lớn lắm. 

Sau nhiều năm triển khai, mô hình nuôi cá đăng quầng ở xã Mỹ Tú đã trở nên phổ biến. Từ vài hộ với chỉ khoảng 10 ha ban đầu nay đã phát triển lên trên 300 ha được bà con nuôi.

nuoi-ca-dang-quang-3-1729301290.jpg
Mô hình nuôi cá đăng quầng giúp nông dân có thu nhập khi vụ Thu Đông nước dâng cao không thể trồng lúa.(Ảnh Thạch Hồng)

Ông Lê Quốc Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tú cho biết, mô hình nuôi đăng quầng trong những năm qua luôn cho hiệu quả kinh tế ổn định. Đây là mô hình vốn đầu tư ít, dễ thực hiện, trong khi thức ăn của cá đều tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên tại ruộng. Nuôi đăng quầng không chỉ là mô hình mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn trong lúc nông nhàn mà còn có lợi ích giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí phân bón cho mùa vụ lúa tiếp theo, tăng năng suất lúa.

Ông Khởi nhấn mạnh thêm: “Đối với xã hiện tại cũng xác định mùa nước nổi người dân không thể nào sạ lúa được mà chuyển sang nuôi cá đăng quầng. Do đó, thời gian qua, UBND xã cũng đã có kiến nghị đến Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND huyện, thứ nhất là có sự hỗ trợ về giống, lưới. Thứ hai là hỗ trợ về kỹ thuật quản lý cá trên đồng ruộng đối với những hộ mới nuôi. Ngoài ra, tập huấn cho bà con để nắm bắt được kỹ thuật nuôi làm sao đạt hiệu quả cao nhất”.

Với hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi được xem là mô hình nông nghiệp bền vững, mô hình nuôi thuỷ sản “thuận thiên”.

“Nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi sẽ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản nội đồng, mô hình đem lại nguồn thu nhập tốt cho nông dân trồng lúa, tạo việc làm cho người dân trong những tháng nông nhàn khi mùa nước nổi về. Đặc biệt cách thức nuôi cá đăng quầng trên ruộng lúa giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí phân bón cho mùa vụ lúa tiếp theo. Điều đó còn hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”, bà Quách Thị Thanh Bình - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đánh giá./.

Bình Nguyên