Nước biển xâm thực đe doạ tài sản người dân

Người dân thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa hoang mang trước tình trạng biển xâm thực khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng, tài sản đang bị đe doạ.

Gần một năm nay, tình trạng nước biển xâm thực diễn ra nhanh chóng, nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng cao. Đời sống của người dân bị ảnh hưởng, lo lắng vì sợ mất đất, mất nhà. Người dân thôn Tân Xuân rất hoang mang trước tình trạng nước biển tấn công xâm thực làng trong mấy tháng gần đây.

z4436809475819-0ee3e6bc6eeb8d2b5f6879d152736416-1686913813.jpg
Nước biển xâm thực tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng tài sản, ruộng vườn, hoa màu của người dân thôn Tân Xuân 

Người dân thôn Tân Xuân cho biết, trước kia mực nước khi dâng cao kỷ lục cũng còn cách làng lên đến 50 - 60m, nhưng hiện nay nước biển đã tiến sát nhà dân. Một số ngôi nhà đang bị sóng đánh đến hiên, mép sân, nước biển tràn vào nhà khiến nhiều hộ dân trong vùng nguy hiểm phải di dời đến ở tạm nhà văn hoá thôn cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Bác Lê Anh Tuấn, thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ cho hay, nếu nước to sẽ dâng lên đến vị trí chúng ta đang đứng, tuỳ theo con nước, nếu vào mùa bão khoảng tháng 9 tháng 10 nước dâng lên sẽ ngập trắng băng cả sân vườn. 

Theo báo cáo của UBND xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá, do ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới và sự biến đổi đổi dòng chảy của cửa Lạch Hới, khiến khu vực ven biển thuộc bộ phận thôn Tân Xuân bị sạt lở do biển xâm thực vào đất liền rất sâu, có nguy cơ ảnh hưởng đến trạm Biên Phòng Lạch Hới và ảnh hưởng đến đời sống của hơn 20 hộ dân. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy tại thôn Tân Xuân có khoảng 1,5 km đất đã bị sạt lở xâm thực vào sâu trong đất liền trung bình khoảng 170m, với diện tích bị sạt lở khoảng 225.000m2 (22,5 ha). Trong đó: Diện tích đất ở bị sạt lở của 5 hộ dân khoảng 3.000,0m2; Diện tích đất quốc phòng là 1.000,0m2; Diện tích đất nuôi trồng thuỷ sản khoảng 20.000m2; diện tích đất thuộc quy hoạch cụm công nghiệp bị xâm thực khoảng 25.000m2; Diện tích đất rừng sản xuất khoảng 176.000m2.

z4436809409691-433682405347aaa3761596c11ad3136b-1686914102.jpg
Bác Lê Anh Tuấn cho biết, khi nước biển dâng cao sẽ ngập cả sân nhà, tài sản buộc phải di dời đến chỗ khác an toàn hơn

Tình trạng nước biển xâm thực có nguy cơ gây ảnh hưởng đến trạm Biên Phòng và 20 hộ dân với 77 nhân khẩu. Khi nước thuỷ triều lên gặp triều cường, nước đã tràn vào một số nhà dân gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm cho các hộ dân thôn Tân Xuân.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân tại khu vực biển xâm thực, UBND xã Hoằng Phụ đã thông báo về việc di dời người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ ảnh hưởng do xâm thực biển tại thôn Tân Xuân. UBND xã Hoằng Phụ đã thành lập tổ canh trực 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo nguy hiểm và căng dây ngăn chặn người dân không đến khu vực nguy hiểm, nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân sinh sống ở khu vực này.

z4436809410416-fc255c210ec45f68abc28aaefbd17cc2-1686914492.jpg
Người dân thôn Tân Xuân lo lắng trước việc ruộng vườn, hoa mầu, tài sản bị nước biển xâm thực

Trao đổi với phóng viên, ông Trương Thế Hùng, phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết, có khoảng 20 hộ dân với khoảng hơn 70 nhân khẩu nằm trong vùng ảnh hưởng. Riêng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng nặng, xã đã bố trí di tản tài sản đến tạm trú ở nhà văn hóa thôn hoặc ở tạm nhà anh em họ hàng.

Ông Trương Thế Hùng cũng chia sẻ thêm, để ứng phó khẩn cấp với tình trạng nước biển xâm thực, UBND xã đã tổ chức đóng cọc, đắp bờ bao, vây bao, hạn chế sóng đánh vào khu vực; đồng thời nhà nước đã cho xây công trình kè, nhà thầu thi công đẩy nhanh tiến độ nên chỉ có nước dâng lên, sóng không còn đánh trực tiếp như trước. Vấn đề người và tài sản của nhân dân không có thiệt hại./.  

z4437496069287-889e2bab520c4390a3996b8e64e25ed1-1686914492.jpg
UBND xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hoá đã có những biện pháp tích cực nhằm hạn chế sự ảnh hưởng tiêu cực của việc nước biển xâm thực
Sông Lô