Đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực khai thác mủ cao su, tình trạng thiếu hụt lao động là vấn đề diễn ra hàng năm. Do vậy mà công tác tuyển dụng lao động ở các đơn vị này có đặc thù là phải “chủ động dự báo trước và đi trước”. Vào những thời điểm cao su được giá hay cần đẩy mạnh lượng khai thác, công tác này càng quan trọng ở những địa phương có sự phân hóa mạnh về lực lượng lao động.
Nằm tại thôn Giang Mỹ, xã Tam Giang, Huyện Krông Năng (Đắk Lắk), trong nhiều năm qua Nông trường cao su Tam Giang là đơn vị điển hình trong việc xây dựng chính sách tuyển dụng và quản trị nguồn nhân lực bền vững. Nông trường này là 1 trong 3 nông trường đơn vị trực thuộc của Công ty TNHH MTV Cao su Krông Búk (trước là Công ty Cao su Krông Búk thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam).
Tháng 3, khi Tây Nguyên đang trong mùa nắng hạn thì công tác tuyển dụng nhân sự mới ở Nông trường cao su Tam Giang trở nên khẩn trương hơn. Anh Trương Hiệp Hoà - giám đốc nông trường cho biết đây đợt tuyển dụng đang vào lúc cao điểm. “Đầu năm luôn là mùa tuyển dụng và đào tạo lao động. Kế hoạch tuyển dụng đã được nông trường triển khai xuyên suốt trong các tháng 2,3 và 4”.
Đặc thù công tác tuyển dụng nhân sự ở nông trường cao su Tam Giang là thực hiện đều đặn hàng năm. Số lượng lao động tại đây biến đổi liên tục bởi nhiều yếu tố khách quan. Thậm chí, ngay trong mùa cao điểm việc nhiều, thu nhập tốt vẫn có người xin nghỉ. “Lý do người lao động xin nghỉ là do gia đình hoặc tập trung cho công việc thu hoạch nương rẫy của nhà mình.” - anh Hòa cho biết.
Mùa khai thác cao su bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 12, cao điểm là vào các tháng 7,8 và 9. Thời điểm này cũng trùng với mùa thu hoạch cà phê nên đa số lao động sẽ ưu tiên làm công việc có thu nhập tốt cho họ hơn. Đây cũng là thời điểm các cán bộ nông trường “căng mình” với công tác tuyển dụng và tổ chức công việc. Giải pháp cho vấn đề là chủ động, linh hoạt tuyển thêm công nhân thời vụ kết hợp với giao khoán công việc, tăng thu nhập cho những công nhân muốn làm nhiều hơn.
Để chủ động việc tuyển dụng nhân sự, cán bộ nông trường đã triển khai nhiều hoạt động. Cơ bản là đăng thông báo tuyển dụng gửi đến các xã để nhờ cán bộ xã hỗ trợ. Mặt khác, đội ngũ cán bộ nông trường đi đến các thôn buôn để tuyển dụng. Thông qua các hình thức như thăm hỏi, tặng quà hay các sự kiện văn hóa của địa phương, cán bộ kết hợp vận động tuyên truyền chính sách tuyển dụng của nông trường để tuyển người mới. Ngoài ra, nông trường còn tận dụng cả yếu tố công nghệ, mạng xã hội để đăng tin tuyển dụng.
Kết quả thu được khi đi tuyển dụng trực tiếp tại các thôn buôn là khá tích cực. Hầu hết các trưởng thôn, buôn, ủy ban xã cho đến Bí thư chi bộ đều hiểu và nhiệt tình ủng hộ chính sách này của nông trường. “Chính sách và phúc lợi tuyển dụng rõ ràng chỉ là một phần nhỏ. Yếu tố chính là mọi người ủng hộ việc người lao động đi làm ngay tại địa phương để có điều kiện gần gia đình, ổn định cuộc sống thay vì phải đi đến những vùng miền xa hơn để tìm kiếm việc làm", anh Hòa cho biết.
Lương thưởng và tính chất công việc luôn là vấn đề được người lao động quan tâm. Hiểu rõ điều này nên Ban quản lý nông trường chủ trương tổ chức công việc theo tiêu chí minh bạch, cụ thể và tạo điều kiện tối đa cho người lao động gia tăng thu nhập. Công việc sẽ do các tổ lao động, các cá nhân tư phân chia với nhau sao cho đảm bảo được tiến độ kế hoạch chung của nông trường đã đề ra. Ngày công, khối lượng và kết quả lao động của từng tổ, từng người đều được niêm yết công khai trên Bảng công tác của nông trường.
Anh Hòa cho biết: “Bình quân thu nhập của công nhân khai thác mủ cao su tại nông trường này trong năm qua là 6,7 triệu; cộng thêm các chế độ khác thì lên đến 8,5 triệu, cao nhất lên tới 15 - 16 triệu. Con số tuy không cao nhưng hầu như ai cũng chia sẻ vì biết ngành cao su nói chung đang trong giai đoạn "trầm lắng" hơn so với các ngành khác.”
Ngoài lương thưởng thì các chính sách phúc lợi khác của nông trường cũng tạo cho người lao tâm thế tích cực và nỗ lực hết mình với công việc. Anh Hòa cho biết thêm: “Để người lao động an tâm gắn bó với công việc, nông trường còn có chính sách của Công đoàn, đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh,… dành cho các lao động gắn bó lâu năm, làm việc tốt và có hoàn Như năm vừa rồi nông trường có đóng góp 60 triệu cho một nhà ở Mái ấm công đoàn!”.
Hai năm trở lại đây, giá cao su đang có xu hướng đi lên. Ngành cao su nói chung và tại Nông trường cao su Tam Giang nói riêng đang kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng trưởng tích cực. Điều đó sẽ góp phần cải thiện thu nhập và thúc đẩy chính sách “giữ chân và tăng cường gắn bó” của người lao động đối với nông trường trong thời gian dài hơn nữa./.