Khi nền kinh tế gặp khó khăn, đối mặt với suy thoái thì nông nghiệp vẫn vững vàng giữ vai trò trụ đỡ. Nông sản được giá nhờ nỗ lực nâng chất để "gõ cửa" các thị trường khó tính đã tạo ra kỳ tích xuất khẩu.
Xen canh phòng bất trắc giờ cây nào cũng thu tiền tỷ
Cả đời gắn bó với nghề nông trên vùng đất Tây nguyên, ông Y Drin Niê người dân tộc Ê Đê ở xã Ea Tu (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) tâm sự: "Bây giờ lớn tuổi rồi, nên đất đai chia hết cho con cháu. Hai vợ chồng già chỉ giữ lại 1,2ha để canh tác, trồng xen canh vài ba cây khác nhau để kiếm cơm sống qua ngày".
Trước đây, vườn chuyên trồng cà phê và hồ tiêu, mấy năm gần đây trồng thêm sầu riêng. Xen canh nhiều loại như vậy để đề phòng rủi ro thị trường; cái này giảm thì thứ khác tăng, bù trừ lẫn nhau. Và những năm trước đây thì đúng là như vậy thật, có giai đoạn cà phê được giá, khi thì hồ tiêu nhưng một số năm cả hai cùng mất giá.
"Trong mấy mươi năm cuộc đời, đây là lần đầu tiên mà cùng lúc các loại cây trái trong vườn cùng trúng giá, cái nào cũng cao kỷ lục nên thật sự tôi rất phấn khởi", ông Niê vui mừng.
Hiện tại đang vào cuối vụ thu hoạch cà phê, giá tại địa phương đang ở mức 62.000 - 63.000 đồng/kg, cao hơn gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Với năng suất khoảng 3 tấn/ha, nguồn thu từ cà phê có thể đạt gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, giá hồ tiêu cũng ở mức trên 80.000 đồng/kg trong khi cùng kỳ năm 2022 chưa tới 60.000 đồng/kg. Với năng suất khoảng 2 tấn mang về nguồn thu khoảng 160 triệu đồng.
Tuy nhiên, 2 mặt hàng này vẫn là nguồn thu phụ nếu so với sầu riêng. Tháng 10 vừa qua, 50 gốc sầu riêng 7 - 8 năm tuổi của ông Niê đã cho thu nhập khoảng 700 triệu đồng, nhờ giá bán đạt mức 72.000 - 73.000 đồng/kg, cao hơn năm trước khoảng 35.000 đồng/kg. "Cây sầu riêng đang thể hiện ưu thế vượt trội nên tôi đang mở rộng số lượng sầu riêng thêm 50 gốc", ông Niê chia sẻ về kế hoạch mới.
Trường hợp thu nhập tiền tỉ như ông Niê không phải hiếm ở vùng đất này. Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ công bằng Eatu, cho biết: Ông Niê là một trong số 49 thành viên của HTX với 90% xã viên là đồng bào dân tộc Ê Đê. Diện tích đất bình quân mỗi xã viên khoảng 1,5 ha. Ngoài ra HTX còn liên kết và hợp tác với nhiều bà con địa phương với tổng diện tích lên tới hơn 1.400 ha. Bà con địa phương chủ yếu trồng xen canh cà phê, sầu riêng và bơ hoặc cà phê, sầu riêng với hồ tiêu.
Thông thường các năm trước, đây là mùa thu hoạch sản lượng nhiều nên giá giảm; nhưng năm nay thời điểm này giá vẫn tăng đến gần 70.000 đồng/kg, do nguồn cung thế giới khan hiếm. Một héc ta, riêng cà phê năng suất khoảng 3 tấn tương đương 200 triệu đồng; thêm khoảng 2 tấn hồ tiêu với giá 80.000 đồng/kg tạo nguồn thu thêm 160 triệu đồng; đặc biệt là 10 tấn sầu riêng thêm khoảng 700 triệu đồng.
"Nhờ cả 3 loại mặt hàng cùng trúng giá nên cơ bản 1 héc ta đất ở vùng này năm nay cho thu nhập khoảng 1 tỉ đồng. Trừ hết chi phí, bà con còn lời khoảng 50 - 70%. Nhờ có thu nhập tốt, không còn áp lực kinh tế nên hiện tại dù giá cà phê đang ở mức cao nhưng nhiều nông dân vẫn chưa vội bán với hy vọng càng về cuối vụ giá sẽ tiếp tục tăng", ông Trọng cho biết.
Cả lúa và sầu riêng tăng cao chưa từng có
Làm lúa chưa bao giờ sướng như năm nay là chia sẻ của nhiều bà con nông dân vùng ĐBSCL vì giá cao, thậm chí có thể nhận cọc ngay khi cây lúa còn chưa trổ bông. Tại H.Tam Nông (Đồng Tháp), nơi có nước ngọt quanh năm, bà con nông dân có thể làm lúa 3 vụ mà không lo hạn mặn. Anh Trần Văn Khanh cho biết hiện đang thu hoạch lúa vụ 3 với diện tích 40 ha, năng suất đạt gần 8 tấn/ha. Do hàng ít nên giá cao, riêng giống lúa Đài thơm 8 có chất lượng tốt giá lên tới 9.800 đồng/kg. Với mức giá này, người làm lúa có thể đạt mức lợi nhuận 50%, tương đương 40 triệu đồng/ha. Với 40 ha lúa đang thu hoạch, nhẩm tính anh Khanh cũng lãi khoảng 1,5 tỉ đồng.
"Còn 80ha lúa đông xuân sớm sẽ thu hoạch ngay sau Tết Nguyên đán. Hy vọng vào thời điểm đó giá lúa vẫn tốt như hiện nay thì có thể xem là kết thúc một năm vất vả một cách trọn vẹn, tất cả các vụ lúa đều được mùa trúng giá", anh Khanh lạc quan.
Theo anh Khanh, giá lúa bắt đầu tăng từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ giữa tháng 10.2022, giá lúa Đài thơm 8 ở mức 5.500 - 5.800 đồng/kg đã liên tục tăng lên 6.800 - 7.000 đồng/kg vào thời điểm thu hoạch rộ vụ đông xuân 2023 và đến thời điểm này đã 9.500 - 10.000 đồng/kg. "Đây là mức giá vượt mọi kỳ vọng của người trồng lúa. Về cơ bản mức giá 7.000 đồng/kg đã có thể khiến người nông dân rất hài lòng, còn giá hiện tại bán một ký lúa nông dân lãi thêm 200 - 300 đồng so với kỳ vọng thì không còn gì hạnh phúc hơn. Đây cũng là sự bù đắp cho người trồng lúa bao năm qua chịu nhiều thiệt thòi với cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa", anh Khanh phân tích.
Câu chuyện về trái sầu riêng còn sốt nóng hơn khi suốt năm lúc nào cũng nhộn nhịp từ vườn tới thị trường. Những ngày cuối năm 2023, người nông dân ở miền Tây vẫn tất bật thu hái sầu riêng vụ nghịch để bán cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá cao chót vót. Trong đó, giá sầu riêng Ri6 được thu mua từ 100.000-120.000 đồng/kg; sầu riêng Monthong có giá 135.000-160.000 đồng/kg; sầu riêng Musang King giữ giá 160.000-190.000 đồng/kg.
Đầu năm nay, giá sầu riêng Ri6 và Monthong lập kỷ lục lịch sử khi thương lái gom mua tại vườn ở mức 160.000-200.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN-PTNT, việc ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc giữa năm 2022 đã giúp đơn hàng bùng nổ, đẩy giá sầu riêng tăng phi mã và neo ở mức rất cao trong suốt năm 2023.
Thống kê cho thấy, đến tháng 11/2023, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất với kim ngạch gần 2 tỷ USD, chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu trái cây này của nước ta.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam ước tính, xuất khẩu sầu riêng năm nay đạt khoảng 2,3 tỷ USD - mức kỷ lục lịch sử đối với một mặt hàng rau quả. Người trồng sầu riêng cũng trúng đậm chưa từng thấy do được mùa lại được giá.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang), năng suất sầu riêng trung bình đạt 20-25 tấn/ha, thậm chí có nhà vườn đạt 30 tấn/ha. Với giá cao như năm nay, trừ chi phí sản xuất từ 200-300 triệu đồng/ha, người trồng sầu riêng lãi từ 1-1,5 tỷ đồng.
Được mùa lại được giá, tại thủ phủ sầu riêng Tây Nguyên, nhiều người ví sầu riêng là “trái cây vàng”. Chỉ cần trồng 1 ha sầu riêng đã cho thu tiền tỷ.
Mới đây, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk Vũ Đức Côn thông tin, sản lượng sầu riêng của tỉnh năm 2023 đạt trên 214.000 tấn. Với giá bán dao động từ 55.000-75.000 đồng/kg, doanh thu từ sầu riêng đạt con số kỷ lục gần 15.000 tỷ đồng.
Tây Nguyên là thủ phủ sầu riêng của nước ta. Giá sầu riêng trung bình ở vùng này thấp hơn ở khu vực miền Nam nhưng nông dân trồng sầu cũng lãi từ 0,8-1 tỷ đồng/ha.
Một chuyên gia ngành hàng rau quả tính toán, với sản lượng ước đạt gần 1,2 triệu tấn, giá sầu riêng năm 2023 lại cao ngất ngưởng giúp hàng chục nghìn hộ nông dân trồng loại cây này trở thành tỷ phú.
Dân gian có câu "được mùa chớ phụ ngô khoai" những cây trồng một thời bị xem nhẹ như cà phê, hồ tiêu và ngay cả cây lúa vì giá cả lao dốc thì cũng bắt đầu đền đáp công sức cho người nông dân. Trái sầu riêng chưa nguội cơn sốt nhưng cũng không vì vậy mà trồng ồ ạt. Giá trị của nông sản không phải là chạy theo thị hiếu mà ở chất lượng và sự ổn định cung-cầu. Khép lại một năm thắng lợi của ngành Nông nghiệp cũng là lúc vơi đi nhưng nhọc nhằn nông gia để vun xới, kỳ vọng những vụ mùa bội thu tiếp nối./.