Pháp: Nông dân sản xuất rau diếp xoăn lao đao vì bão giá năng lượng

Những người nông dân trồng rau ở châu Âu đang cảnh báo tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm khi giá năng lượng ở châu Âu không ngừng tăng cao. Nhiều cơ sở sản xuất rau đứng trước nguy cơ bỏ nghề vì chi phí sản xuất từ lưu trữ, đông lạnh... ngốn nhiều điện, đang tăng mạnh.

Đối mặt với khủng hoảng năng lượng

Tại thị trấn Bouvines, miền bắc nước Pháp, gắn bó với nghề suốt 32 năm và mỗi năm sản xuất 10.000 tấn rau, Cơ sở sản xuất rau diếp xoăn của ông Emmanuel Lefebvre trong vài tháng nữa có thể sẽ không còn cảnh công nhân nhộn nhịp đóng gói rau, vì chi phí năng lượng tăng gần gấp 10 lần so với năm ngoái, từ 120.000 euro lên khoảng 1 triệu euro, trong đó phần lớn là chi phí làm lạnh.

Ông Emmanuel Lefebvre cho biết: "Nếu giá năng lượng vẫn giữ ở mức cao như hiện nay, thì rất khó duy trì công việc".

“Chúng tôi thực sự bế tắc hoàn toàn và chúng tôi tự hỏi liệu chúng tôi có thu hoạch được những gì vào mùa đông này hay không. Chúng tôi phải lưu trữ củ rễ rau trong phòng lạnh. Từ lúc thu hoạch, chúng tôi hạ nhiệt độ liên tục cho đến khi đạt khoảng âm 2,5 độ C. Nhiệt độ này phải giữ nguyên, không thể ngắt nếu muốn bảo quản tốt bộ củ làm giống. Do đó trong vấn đề tiêu thụ năng lượng, chúng ta không có giải pháp nào khác", ông Emmanuel Lefebvre chia sẻ.

Pháp là nước sản xuất rau diếp xoăn lớn nhất thế giới, nằm trong số những nơi chịu rủi ro cao nhất vì quá trình sản xuất cần rất nhiều điện trong toàn bộ dây chuyền. Giá điện và khí đốt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến các loại cây trồng trong nhà kính được sưởi ấm trong suốt mùa đông như cà chua, ớt và dưa chuột, cũng như những loại cần được bảo quản trong kho lạnh, chẳng hạn như táo, hành và các loại rau diếp.

Riêng rau diếp đặc biệt cần nhiều năng lượng. Sau khi được thu hoạch vào mùa thu, củ của loại rau này sẽ được cấp đông và sau đó đem trồng lại trong các thùng chứa được kiểm soát nhiệt độ để cho phép canh tác quanh năm. "Chúng tôi thực sự tự hỏi liệu chúng tôi có thể thu hoạch được gì trên cánh đồng vào mùa đông này không", Lefebvre nói trong khi đóng gói các nông sản tại vườn.

rau-2-done-9014-1663994304.jpg
Emmanuel Lefebvre và Christophe Mazingarbe chăm sóc cánh đồng trồng rau diếp của mình.

Những người nông dân châu Âu đang cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tác động được dự báo đến sản lượng và giá cả tăng cao có thể khiến các siêu thị chuyển sang tìm nguồn cung ứng từ các nước có khí hậu ấm hơn như Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Tunisia và Ai Cập.

Nông dân Christophe Mazingarbe chia sẻ: "Cảm giác đầu tiên của tôi là buồn, đơn giản bởi đây là ngành nhỏ, có truyền thống ở vùng Hauts-de-France (miền bắc nước Pháp). Rau diếp xoăn nổi tiếng ở Pháp và thế giới và 95% sản lượng đến từ Pháp. Đó thực sự là một sản phẩm đặc trưng của miền Bắc nước Pháp. Đây cũng là ngành nghề tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người".

Ông Stephane Jacquet, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất rau diếp xoăn của Pháp cho biết, việc ngừng sản xuất loại rau này sẽ là cơn “chấn động” đến thị trường việc làm, đặc biệt là ở miền bắc nước Pháp.

“Nghề sản xuất rau cải xoăn tạo hơn 4.000 việc làm ở vùng Hauts-de-France. Đó là chưa tính những công việc gián tiếp. Có nhu cầu lớn về nhân lực trong ngành này. Chúng tôi biết rõ rằng cần phải tiết kiệm năng lượng, tìm những nguồn năng lượng mới” - ông Stephane Jacquet cho biết.

Tìm kiếm phương án mới phù hợp...

Người nông dân không chỉ phải đối mặt với giá năng lượng đang leo thang. Chi phí phân bón, đóng gói và vận chuyển đều đang tăng lên và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Johannes Gross, Phó Giám đốc kinh doanh tại hợp tác xã Reichenau-Gemüse của Đức có diện tích nhà kính khoảng 60ha cho biết: “Chúng tôi phải đối mặt với chi phí sản xuất tổng thể tăng lên khoảng 30%. Năng lượng chiếm khoảng từ một nửa đến 2/3 chi phí phụ này”.

"Một số đồng nghiệp đang nghĩ đến việc để trống nhà kính của họ để giữ chi phí thấp nhất có thể. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong năm tới", ông nói thêm.

Tập đoàn công nghiệp nhà kính Glastuinbouw của Hà Lan cho biết, có tới 40% trong số 3.000 thành viên của tập đoàn này đang gặp khó khăn về tài chính. Ngay cả ở những quốc gia có khí hậu ấm áp hơn như Tây Ban Nha, nông dân trồng rau quả đang phải vật lộn với chi phí phân bón tăng 25%.

Jack Ward, Giám đốc điều hành Hiệp hội Người trồng trọt Anh, cho biết việc sản xuất trái cây và rau quả sẽ chuyển sang các quốc gia có khí hậu ấm hơn là điều không thể tránh khỏi.

“Chúng tôi sẽ chuyển sản xuất ngày càng xa hơn về phía nam, qua Tây Ban Nha, tới Morocco và các vùng khác của châu Phi”, Ward chia sẻ thêm.

Ngoài chi phí năng lượng tăng, chiếm 80% tổng chi phí sản xuất thì các chi phí khác như bao bì cũng tăng vọt. Nghề trồng rau thực sự đang trở nên quá đắt đỏ ở châu Âu do giá năng lượng tăng cao và nông dân trồng các loại rau từ cà chua, khoai tây đến dưa chuột, đang cân nhắc việc ngừng sản xuất và thực trạng đó càng đe dọa hơn nữa nguồn cung lương thực.
Thi Nguyên (t/h)