Tại Hà Tĩnh, vụ Xuân năm 2024, toàn tỉnh sản xuất 59.107 ha lúa. Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi người dân đang tất bật thu hoạch lúa xuân.
Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hoạch được gần 12.000 ha lúa xuân, đạt khoảng 20% diện tích. Các huyện dẫn đầu như: Can Lộc (hơn 4.000 ha), Đức Thọ (2.500 ha), Nghi Xuân (1.350 ha)… Từ ngày 13 - 20/5, các địa phương bước vào cao điểm thu hoạch lúa Xuân.
Thời tiết vụ Xuân năm 2024 tương đối thuận lợi, đồng ruộng ít sâu bệnh. Cùng với việc dồn điền đổi thửa, sản xuất cánh đồng lớn và sự chỉ đạo, hướng dẫn của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương, nông dân tập trung gieo cấy cơ bản đảm bảo đúng lịch thời vụ, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật nên cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Tại các địa phương có trình độ thâm canh cao, diện tích gieo cấy lớn năng suất lúa dự kiến có thể đạt từ 60 - 63 tạ/ha.
Vừa tất bật chuyển những bao tải lúa lên xe tải, chị Phạm Thị Trà (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) vừa phấn khởi chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi gieo gần 1,3 mẫu lúa, năng suất đạt 3,7 tạ/sào, cao nhất từ trước tới nay. Đây là vụ thứ 3 gia đình gieo cấy trên cánh đồng lớn. Chúng tôi đã thực sự thấy được hiệu quả của quá trình chuyển đổi, tập trung ruộng đất theo chủ trương lớn của địa phương.
Hiện nay, các địa phương khuyến khích bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi xuống đồng thu hoạch lúa xuân, điều tiết máy gặt phù hợp để đạt tiến độ.
Được biết, để đảm bảo quyền lợi của người nông dân ngay từ đầu vụ thu hoạch, các địa phương đã chủ động làm việc với chủ máy gặt, thống nhất về giá, ký cam kết để ngăn chặn tình trạng tự ý nâng, ép giá, gây mát trật tự an ninh. Ngoài ra, các lao động, chủ máy gặt ngoài địa phương phải đăng ký thủ tục lưu trú nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Hiện tại, mức giá thuê máy gặt thuê trên địa bàn Hà Tĩnh dao động từ khoảng 130.000 đồng - 170.000 đồng/sào (500m2), tương đương với vụ xuân 2023. Theo người dân, mức giá này khá ổn định, phù hợp để bà con yên tâm thu hoạch.
Chị Nguyễn Thị Quyên (xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh) cho biết : Vụ xuân năm nay là vụ đầu tiên gia đình chúng tôi sản xuất trên cánh đồng lớn sau chuyển đổi ruộng đất. Gia đình rất vui mừng vì năng suất lúa tăng, giá bán cao hơn vụ Xuân năm trước. Mùa này thời vụ gấp gáp nên thu hoạch xong đến đâu, chúng tôi dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng đến đó, chuẩn bị giống, vật tư, thuê máy móc để sản xuất Hè Thu.
Theo ghi nhận của PV, tại các cánh đồng, máy gặt được phân chia hoạt động theo vùng để phục vụ tốt nhất việc thu hoạch lúa cho người dân.
Đại úy Nguyễn Trung Thông - Trưởng Công an xã Thiên Lộc cho biết: Việc bình ổn giá thuê máy gặt ngay từ đầu mùa vụ được chúng tôi thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của UBND huyện. Đơn vị cũng công bố các đường dây nóng để người dân liên lạc khi có tình trạng tranh chấp, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu hoạch. Đến nay, các chủ máy nghiêm chỉnh chấp hành những nội dung đã cam kết, hỗ trợ người dân thu hoạch đúng tiến độ.
Được biết, vụ XUân năm 2024, năng xuất lúa tăng và hiện nay, người dân bán thóc tươi với giá gần 6 ngàn đồng/kg.
Theo ông Phan Cao Kỳ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Can Lộc cho hay: Vụ Xuân năm 2024, huyện gieo cấy trên diện tích gần 9.100 ha lúa, trong đó có hơn 3.200 ha thực hiện đề án tập trung ruộng đất; sử dụng các bộ giống chủ lực như: Nếp 98, Hà Phát 3, Bắc Thịnh, VN10… Dự kiến, năng suất bình quân toàn huyện đạt 63 tạ/ha, cao hơn vụ xuân năm 2023 (62,15 tạ/ha). Huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành thu hoạch trước ngày 15/5; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để triển khai sản xuất vụ Hè Thu.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, năng suất lúa vụ xuân năm nay đạt cao hơn vụ Xuân 2023, nhiều địa phương xác lập kỷ lục mới về năng suất như Can Lộc, Đức Thọ, Cẩm Xuyên…
Với phương châm “Thu hoạch lúa Xuân đến đâu, tiến hành làm đất sản xuất Hè Thu đến đó”, bà con nông dân cũng khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất, đắp bờ… chuẩn bị cho việc sản xuất mùa vụ tới. Tại nhiều địa phương, Hội Nông dân đứng ra kết nối giúp người dân tiêu thụ lúa./.