Giải pháp canh tác bền vững
Tại xã Tam Giang, huyện Krông Năng, ông Trần Văn Hồng tự hào dẫn chúng tôi thăm vườn cà phê trồng xen cây ăn trái rộng hơn 7 ha của gia đình. Mặc dù khí hậu khô hạn, vườn cà phê của ông vẫn xanh tốt, duy trì năng suất ổn định nhờ vận dụng hệ thống canh tác khoa học.
“Tôi sử dụng xác bã cà phê ủ hoai để che phủ đất, trồng cây che bóng, chắn gió nhằm duy trì độ ẩm cho đất, vườn luôn giữ thảm cỏ giúp giữ nước và giảm bốc thoát hơi nước. Phương pháp này giúp đất màu mỡ, giảm nấm bệnh, giúp cây trồng phát triển tốt hơn,” ông Hồng chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Xoan tại xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar đã áp dụng mô hình đa tầng tán, trồng xen nhiều loại cây như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và bơ. Nhờ để thảm cỏ và bố trí độ che phủ hợp lý, nhiệt độ và độ ẩm trong vườn luôn được điều hoà, giảm nhu cầu tưới so với vườn độc canh.
Thạc sĩ Đỗ Văn Chung, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nhấn mạnh rằng việc triển khai canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm và tạo thảm cỏ đang góp phần cải thiện môi trường đất, giúp cây trồng phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.
Tưới tiết kiệm và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngành Nông nghiệp Đắk Lắk đã triển khai nhiều mô hình canh tác hiệu quả, trong đó đáng chú ý là hệ thống tưới tiết kiệm cho cà phê, hồ tiêu và cây ăn trái. Việc áp dụng hệ thống này giúp giảm hơn 30% lượng nước tưới và tiết kiệm 70% nhân công. Điển hình như hộ ông Trương Hoàng Trung, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar), với mức đầu tư từ 60 - 70 triệu đồng/ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm gia đình ông đã giảm chi phí công lao động rất nhiều.

Nếu như trước đây vào mùa khô, gia đình ông Trung phải thuê công tưới rất khó khăn thì nay chỉ cần “điều khiển từ xa” mà vườn cây vẫn đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt. Nhất là vào thời điểm tưới cho cà phê nở hoa đồng loạt, nếu tưới dí theo truyền thống thì phải mất từ 55 - 60 giờ mới xong 1 ha, còn tưới phun mưa tại gốc thì mỗi ha chỉ mất 18 - 20 giờ.
Đặc biệt theo ông Trung, những năm gần đây do khan hiếm nguồn nước, hầu hết các gia đình có rẫy cà phê ở xã Quảng Hiệp đều phải đào thêm giếng rất sâu mới tạm đủ nước thì việc ứng dụng tưới tiết kiệm thực sự có ý nghĩa trong canh tác cà phê theo hướng bền vững, vừa đảm bảo an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường sinh thái.
Giải pháp bền vững ứng phó hạn hán
Toàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 850 công trình thuỷ lợi với gần 620 hồ chứa, hơn 160 đập dâng và 78 trạm bơm. Tính đến cuối mùa mưa 2024, nhiều hồ thủy lợi ở các huyện M’Drắk, Ea Kar, Lắk, Ea H’leo chỉ tích nước đạt 50% đến 80% dung tích. Các hồ khác trong tỉnh, lượng nước cũng đang ít hơn từ 10 - 15% so với cùng kỳ 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Đắk Lắk, việc cả sông suối và hồ đập của tỉnh cạn sớm, đang là mối đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp. Sở đã đề nghị các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

“Khuyến cáo các địa phương phải theo dõi chặt chẽ việc sử dụng nước, điều tiết thật hợp lý để đảm bảo nguồn nước tưới. Vấn đề thứ 2, đối với diện tích lúa sản xuất dưới dạng bấp bênh chuyển sang cây trồng khác thích ứng được với lượng nước bị hạn chế. Đối với cây công nghiệp lâu năm đang khuyến cáo các hình thức tưới nhỏ giọt, tưới có kiểm soát. Đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xác định nhu cầu nước tưới trên cây trồng trong mùa khô này”, ông Nguyễn Văn Hà cho biết.
Tỉnh đang tập trung nhân rộng mô hình xen canh nông nghiệp, khuyến khích nông dân chú trọng cây chịu hạn, giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng cường sản xuất hữu cơ. Ngoài ra, Đắk Lắk cũng đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Với những giải pháp đã và đang được triển khai, nông dân Đắk Lắk hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp trước biến đổi khí hậu./.