Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền vừa phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao đến năm 2030 nhằm tập trung phát triển các loại vật nuôi chủ lực trên địa bàn với tổng kinh phí dự kiến hơn 743 tỷ đồng.
Theo đó, một trong những mục tiêu chính đến năm 2025, Ninh Thuận sẽ phát triển quy mô đàn cừu lên 150.000 con, đàn dê đạt 130.000 con, đàn bò đạt 150.000 con và đàn lợn đạt 150.000 con. Đến năm 2030, toàn tỉnh nâng tổng đàn cừu lên 220.000 con, sản lượng thịt cừu tăng bình quân 4- 5%/năm; đàn dê đạt 160.000 con, sản lượng thịt dê tăng bình quân 3,5%/năm; phát triển đàn bò lên 200.000 con, sản lượng thịt bò tăng 7,5%/năm và đàn lợn đạt 200.000 con với sản lượng lợn thịt đạt 22.000 tấn/năm.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Thuận cũng đẩy mạnh phát triển đàn gia cầm đến năm 2025 đạt khoảng 2,4 triệu con với sản lượng thịt hơi xuất chuồng khoảng 7.200 tấn; tổng đàn gia cầm sẽ đạt 3 triệu con với sản lượng thịt hơi khoảng 9.000 tấn vào năm 2030.
Mục tiêu về kinh tế của đề án đến năm 2025 đó là cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng khoảng 35,5% trong nội bộ ngành trồng trọt – chăn nuôi và duy trì mức tỷ trọng 10,7% trong toàn ngành nông nghiệp. Đến năm 2030, cơ cấu ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng khoảng 41,2% trong nội bộ ngành trồng trọt – chăn nuôi và chiếm khoảng 12,3% trong toàn ngành nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất chăn nuôi lợn, dê, bò, cừu toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 1.983 tỷ đồng, định hướng đến năm 2030 đạt 2.847 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, Ninh Thuận tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả, có giá trị kinh tế cao để phục vụ nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Quy hoạch đồng bộ vùng chăn nuôi tập trung phù hợp với điều kiện từng địa phương; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện chuyển đổi số trong chăn nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ để cải tạo giống vật nuôi bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, sử dụng hormon gây động dục hàng loạt và triệt sản vật nuôi có tầm vóc nhỏ, năng suất thấp; tăng cường vệ sinh thú y, phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, Ninh Thuận tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, các nhân đầu tư, xây dựng các khu chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, cung ứng giống vật nuôi chất lượng cao. Các địa phương quy hoạch đồng cỏ, hướng dẫn người chăn nuôi trồng các giống cỏ mới cho năng suất, chất lượng cao, chế biến và dự trữ thức ăn chăn nuôi từ các nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Song song với đó, tỉnh chú trọng phát triển các cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi theo hướng tập trung hiện đại; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị; xây dựng chỉ dẫn địa lý và thương hiệu để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường. Các địa phương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển các mô hình chăn nuôi kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp mang tính đặc thù.
Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các cơ sở chăn nuôi; giám sát vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn và các tỉnh, thành qua địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ninh Thuận có địa hình đồi núi và đồi gò bán sơn địa chiếm gần 78% diện tích tự nhiên toàn tỉnh rất thích hợp cho hoạt động chăn thả gia súc. Bên cạnh đó, khí hậu khô, nóng gần như quanh năm đã tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại gia súc có thế mạnh và là sản phẩm đặc thù của tỉnh như dê, cừu. Những năm qua, tỷ trọng xuất chuồng đàn dê, cừu của tỉnh có xu hướng tăng nhanh, trong đó đàn dê đứng thứ 7 trong cả nước (chiếm 6,5%), đàn cừu đứng thứ nhất cả nước (chiếm 95%).
Mặc dù vậy, ngành chăn nuôi của Ninh Thuận cũng đang gặp phải không ít khó khăn như đồng cỏ tự nhiên cho chăn thả gia súc ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác. Chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, tự phát, thiếu sự liên kết giữa các cơ sở chăn nuôi với doanh nghiệp để hình thành chuỗi chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ mà chủ yếu thông qua khâu trung gian nên người chăn nuôi thường bị ép giá. Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm như bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục… luôn đe dọa và gây bất ổn cho chăn nuôi.
Qua khảo sát của ngành chức năng, thị trường tiêu thụ thịt trong nước vẫn còn dư địa lớn cho Ninh Thuận phát triển chăn nuôi, đặc biệt là đàn bò và cừu ở Việt Nam vẫn đang dựa vào thịt nhập khẩu, thịt cừu sản xuất trong nước mới đáp ứng được 10% và thịt bò sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 30% lượng tiêu thụ./.