Những xu hướng thương mại mới tại Trung Quốc

Sự kiện mua sắm nhân Ngày Độc thân 11/11 tại Trung Quốc đã đạt mức cao điểm trong đêm 11/11, khi người tiêu dùng trên khắp nước này "dán mắt" vào màn hình điện thoại để có thể chớp thời cơ mua mọi món hàng có giá cực hời trên các nền tảng thương mại điện tử.
sale-trung-quoc-1636766474.png
Hình thức bán hàng thông qua phát trực tiếp trên mạng trực tuyến (livestream) phát triển mạnh. Ảnh minh hoạ.

Nở rộ từ năm 2009, sự kiện mua sắm này được coi như một phép thử để đánh giá niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc. Ngoài sự bùng nổ doanh số mà sự kiện này thường mang lại, dịp mua sắm nhân ngày Độc thân năm nay còn giúp chỉ ra những xu hướng mới về thị hiếu tiêu dùng của người dân Trung Quốc, hé lộ những xu hướng mới phù hợp với việc nâng cấp mô hình tiêu dùng của đất nước.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của thế hệ trẻ Trung Quốc - những khách hàng chủ lực của sự kiện mua sắm Ngày Độc thân 11/11, các nhà sản xuất đồ may mặc đã tìm đến công nghệ kỹ thuật số để phân tích tốt hơn thị trường thời trang và các nhóm người tiêu dùng. Các chủ thương hiệu thời trang cho biết với sự trợ giúp của dữ liệu lớn, giờ đây họ "có thể dự đoán chính xác hơn về những họa tiết, màu sắc hoặc phong cách nào sẽ trở thành mốt mới".

Đối với các công ty này, lễ hội mua sắm bắt đầu sớm hơn nhiều so với ngày 11/11 hằng năm. Đây là một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh bao gồm các dịch vụ nghiên cứu, sản xuất, bán hàng - sau bán hàng và các công nghệ như dữ liệu lớn giúp kết nối các liên kết đó. Một chủ doanh nghiệp cho biết: “Chúng tôi có thể tìm ra địa điểm và đối tượng mà chúng tôi nên bán sản phẩm của mình, ngay cả trước khi chúng được sản xuất thực sự".

Về phía người tiêu dùng, mua sắm trực tuyến cũng ngày càng trở nên thông minh hơn khi hình thức bán hàng thông qua phát trực tiếp trên mạng trực tuyến (livestream) phát triển mạnh và định hình lại hành vi của người tiêu dùng.

So với bán lẻ trực tuyến một cách truyền thống, hình thức livestream bán hàng cho phép người bán giới thiệu hàng hóa của họ một cách chân thực và kỹ lưỡng hơn. Người tiêu dùng cũng có thể được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ những người bán hàng theo hình thức này.

Theo dữ liệu từ nền tảng thương mại điện tử Taobao, hai cửa hàng hàng đầu bán hàng theo hình thức livestream thông qua các kênh của Taobao đã thu về khoảng 20 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 3,1 tỷ USD) ngay trong ngày 31/10 - ngày đầu tiên họ mở bán trong sự kiện ngày Độc thân năm nay.

Giới quan sát cho rằng thương mại điện tử theo hình thức livestream sẽ tiếp tục phát triển mạnh và liên quan đến nhiều lĩnh vực và loại hàng hóa hơn. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số một cách linh hoạt của các doanh nghiệp truyền thống, đồng thời thúc đẩy sự tích hợp sâu hơn của tiêu dùng trực tuyến và ngoại tuyến.

Trong dịp mua sắm Ngày Độc thân năm nay, nhiều nền tảng bán lẻ trực tuyến đã ghi nhận doanh số bán các sản phẩm thân thiện với môi trường tăng vọt trong bối cảnh Trung Quốc chuyển sang "tiêu dùng xanh". Ví dụ, doanh số máy điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng của nhà bán lẻ trực tuyến Suning năm nay đã tăng hơn 69% so với cùng kỳ năm ngoái. 

"Tiêu dùng xanh" cũng đang tái định hình cách thức hoạt động của các nhà bán lẻ. Năm nay, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com đã bắt đầu sử dụng một loại bưu kiện mới trên toàn quốc, không có băng keo và có thể tái sử dụng hàng chục lần.

Theo Trung tâm Nghiên cứu phát triển của Trung Quốc, sự chuyển hướng sang tiêu dùng xanh phản ánh nhu cầu của người dân Trung Quốc về một môi trường tốt hơn khi họ có thu nhập cao hơn. Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đã ban hành hướng dẫn thiết lập cơ chế khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử bán hàng hóa xanh. Hướng dẫn cũng chỉ rõ các biện pháp để tăng cường tiêu thụ các phương tiện năng lượng mới, thiết bị quang điện và thiết bị điện tử thân thiện với môi trường./.