Những vấn đề cần tháo gỡ trong nguồn cung ứng thị trường bất động sản TP. HCM

Chiều ngày 28/10, Thời báo Tài chính Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Bất động sản 2022 với chủ đề: “Nguồn cung thị trường bất động sản TP.HCM: Những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ”.

Theo đó, Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của hơn 100 đại diện các doanh nghiệp Bất động sản (BĐS) tại TP.HCM và một số tỉnh lân cận. Đặc biệt, Diễn đàn còn có sự tham dự của nhiều diễn giả, chuyên gia uy tín am hiểu thị trường BĐS như: Giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM, bà Nguyễn Hoàng Bích Ngọc – Trưởng phòng Phân tích, Khối Khách hàng tổ chức Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) và ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc nghiên cứu và Phát triển DKRA Group.

Phát biểu tại diễn đàn, Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam ông Phạm Thu Phong cho biết: Nhìn nhận thực tế trong những năm qua, thị trường BĐS đã có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế.

Cụ thể, theo các thống kê, đóng góp của ngành BĐS trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác chiếm khoảng 4,5% GDP. Trong đó thị trường BĐS TP.HCM - một trong những thị trường thu hút đầu tư cao nhất đã và đang đóng góp lớn vào GDP.

Sự phát triển của thị trường BĐS TP.HCM không chỉ tạo điều kiện quan trọng cho kinh tế thành phố phát triển mà còn tạo động lực phát triển lan tỏa cho thị trường BĐS các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn phát triển của thị trường BĐS TP.HCM cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong hoàn thiện các khâu pháp lý để phát triển dự án cung cấp sản phẩm ra thị trường.

z3836514213874-43e0b2181a1a5546e3768a0d9d53c027-1666954372.jpg
Toàn cảnh diễn đàn Bất động sản năm 2022 tại TP. HCM

Cũng theo báo cáo, hiện trên địa bàn TP.HCM đang có khoảng trên 100 dự án đang bị ách tắc do việc xử lý hồ sơ chậm so với quy định. Ách tắc khâu hồ sơ pháp lý của dự án dẫn đến chậm tiến độ, kéo theo thị trường khan hiếm và mất cân đối về nguồn cung, giao dịch ảm đạm khiến nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn và khách hàng mua nhà ảnh hưởng theo.

“Nhằm tạo diễn đàn đánh giá, thảo luận và đề xuất những vấn đề cốt lõi về thực trạng phát triển, đặc biệt là những vấn đề về pháp lý phát triển nguồn cung và cân đối sản phẩm trên thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh, hôm nay Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức Diễn đàn Bất động sản 2022 với chủ đề: “Nguồn cung thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ”. ông Phạm Thu Phong cho biết.

Ông Phong cho biết, “Với vai trò, vị thế là cơ quan ngôn luận của ngành Tài chính, Diễn đàn Bất động sản 2022 được Thời báo Tài chính Việt Nam tổ chức kỳ vọng sẽ cung cấp nhiều góc nhìn, kiến nghị, đề xuất mang tính xây dựng của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp… gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đóng góp ý kiến cho các bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền các cấp của TP. Hồ Chí Minh xem xét hoàn thiện các chính sách, giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh đúng hướng và bền vững”.

Cùng chung quan điểm với các nhận định trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thông tin thêm về thực trạng thị trường BĐS hiện nay: Vào những năm 2008 - 2013 sau khi có sự xuất hiện của các gói hỗ trợ doanh nghiệp lên đến hàng nghìn tỉ thì đã giải quyết được 3 mục tiêu lớn của thị trường BĐS trong hiện thời. Cụ thể, thứ nhất là giải quyết được nạn tồn kho sản phẩm BĐS, thứ hai là hạn chế được việc nợ số thị trường BĐS, thứ 3 là tạo điều kiện cho hơn 40 nghìn cá nhân, hộ gia đình tiếp cận được với nhà ở xã hội, góp phần giúp thị trường BĐS phục hồi và tăng trưởng trở lại.

“Tuy nhiên đến nay thị trường vẫn chưa thật sự phát triển theo hướng chúng ta mong muốn, phần lớn nguyên nhân bắt nguồn từ vấn đề thể chế pháp luật. Một số quy định của chúng ta không đồng bộ, không thống nhất và không có sự liên thông”, ông Châu phân tích.

z3836515313142-9a42161c0fc65de0e96d21e0313c5a23-1666954378.jpg
Ông Võ Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM phát biểu tại diễn đàn

Tổng quan lại, ông Võ Hồng Thắng, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển DKRA Group đã đưa ra 4 thực trạng chính gây ảnh hưởng lớn đến thị trường ở hiện tại và trong tương lai, bao gồm: Sự bất ổn tình hình vĩ mô trong và ngoài nước; Ảnh hưởng từ việc tăng cường kiểm soát tín dụng bất động sản; Khan hiếm nguồn cung mới; Mặt bằng giá bán leo thang.

Nhìn nhận được tình hình đó, với mong muốn tạo ra một diễn đàn đánh giá, thảo luận và đề xuất những vấn đề cốt lõi về thực trạng phát triển, đặc biệt là những vấn đề về pháp lý phát triển nguồn cung và cân đối sản phẩm trên thị trường bất động sản TP.HCM, Diễn đàn lần này được tổ chức và thảo luận tập trung vào 3 chủ đề chính, bao gồm:

Thứ nhất là đánh giá thực trạng thị trường bất động sản TP.HCM, trao đổi – thảo luận về tình hình nguồn cung và cân đối sản phẩm trên thị trường hiện nay.

Thứ hai là đưa ra giải pháp, kiến nghị tháo gỡ những tồn tại, bất cập trong phát triển thị trường bất động sản TP.HCM, đặc biệt là các giải pháp, kiến nghị tăng cường nguồn cung và cân đối sản phẩm trên thị trường.

Thứ ba là dự báo những cơ hội phát triển thị trường bất động sản TP.HCM năm 2023 và các năm tiếp theo.

Đồng thời, các nội dung được thảo luận, phân tích tại đây sẽ là các ý kiến mang tính đề xuất trong việc xây dựng, đóng góp, kiến nghị từ nhiều đơn vị doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học,… gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đóng góp ý kiến để các cơ quan chứng năng, đặc biệt là chính quyền các cấp của TP.HCM xem xét hoàn thiện các chính sách, giải pháp tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS TP.HCM được đi đúng hướng và bền vững hơn.

Mạnh Đức