Chiêu trò “câu khách” của Công ty BĐS Nhật Nam
Nhằm làm rõ các chiêu trò lôi kéo khách hàng tham gia hợp tác kinh doanh bằng cam kết lợi nhuận cao của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Công ty BĐS Nhật Nam) - trụ sở chính tại số 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM, đơn vị mới được nhiều địa phương, Bộ Công an cảnh báo. Phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã liên hệ, để lại thông tin theo số hotline tại trang web https://nhatnamgroups.com, được giới thiệu là của Công ty BĐS Nhật Nam. Sau đó, có một người tự nhận là nhân viên của công ty này liên hệ, giới thiệu và tư vấn về các gói đầu tư.
Trước khi tư vấn về các gói đầu tư, người này đề nghị được gửi các thông tin của Công ty BĐS Nhật Nam cho phóng viên tham khảo trong đó có danh sách các chi nhánh của công ty tại các tỉnh thành trên cả nước.
Cụ thể, ngoài trụ sở chính theo cảnh báo của cơ quan chức năng tại TP. HCM thì theo thông tin mà nhân viên này giới thiệu, Công ty BĐS Nhật Nam còn có nhiều văn phòng đại diện tại các tỉnh như: Hà Nội, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Để lấy lòng tin của khách hàng, nhân viên này còn gửi các hình ảnh khách sạn, bất động sản, nhà hàng, nhiều sổ đỏ và hình ảnh hợp đồng hợp tác kinh doanh nằm cạnh nhiều cọc tiền, đồng thời khẳng định đây là những tài sản bảo đảm để khách hàng có thể yên tâm khi đầu tư vào Công ty BĐS Nhật Nam.
Nhằm tạo “động lực” cho khách hàng đầu tư, nhân viên đã chia sẻ và gửi cho phóng viên bí quyết đầu tư thời 4.0 với các gói đầu tư thấp nhất từ 20 triệu đồng đến 5 tỷ đồng của Công ty BĐS Nhật Nam. Theo đó, khách hàng sẽ được phân chia lợi nhuận hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Lợi nhuận khách hàng được hưởng theo cam kết của Công ty BĐS Nhật Nam sẽ là 7%/ tháng và thời gian đầu tư là 24 tháng (tương đương cả gốc và lãi được nhận sẽ là 168% trong 24 tháng).
Khi phóng viên tỏ vẻ phân vân về các gói đầu tư và cam kết lợi nhuận mà Công ty BĐS Nhật Nam đưa ra, nhân viên này tiếp tục gửi hình ảnh cũng như video về các nhóm kín đầu tư của Công ty BĐS Nhật Nam tại các tỉnh thành. Đồng thời, nhân viên này còn gửi thông tin một số khách hàng đã xuống tiền đầu tư trước đó vào công ty nhằm thuyết phục khách hàng.
Khi thấy khách hàng tỏ ra hào hứng về lợi nhuận được hưởng của các gói đầu tư, nhân viên này cho biết, Công ty BĐS Nhật Nam đang có chương trình tặng thưởng cho các khách hàng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh trong tháng 9/2022 với cam kết lợi nhuận lên đến 92% trong 24 tháng.
Theo đó, người này gửi bảng thông báo phân chia lợi nhuận tháng 9/2022 cho khách hàng đầu tư với các gói từ 100 triệu đến 50 tỷ đồng. Trong thời gian đầu tư khách hàng sẽ được hoàn vốn và phân chia lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản và sau 24 tháng khách hàng sẽ được nhận lãi suất lên tới 92% tổng số vốn đầu tư (Tương đương cả gốc và lãi thực nhận sẽ là 192%).
Ngoài ra, khách hàng sẽ được tặng kèm một số tiền thưởng và phiếu mua bất động sản của Công ty BĐS Nhật Nam. Trường hợp khách đầu tư ở mức 1 tỷ đồng trở lên sẽ được tặng thêm phiếu mua bất động sản và vé du lịch Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm và lãi suất mặc định vẫn là 92% trong 24 tháng.
Không những thế, theo nhân viên tư vấn thì mục tiêu sắp tới của Công ty BĐS Nhật Nam sẽ lên công ty đại chúng và tập đoàn nên công ty còn có chương trình nhận cổ đông chiến lược với số lượng cổ đông giới hạn chỉ nhận 100 suất đầu tư với các gói từ 3 tỷ, 5 tỷ và 10 tỷ đồng trong đợt 2 năm 2022.
Theo thông báo nhận cổ đông chiến lược khách hàng đầu tư mà nhân viên tự nhận là người của Công ty BĐS Nhật Nam cung cấp thì khách hàng sẽ hưởng quyền lợi như họp cổ đông hàng tháng cùng Ban lãnh đạo Tổng Công ty, nghe báo cáo kết quả kinh doanh, định hướng; Ưu đãi khi mua BĐS, mua cổ phiếu…; Được chia lợi nhuận từ các dự án lâu dài; được góp vốn trực tiếp vào các dự án cụ thể. Cùng với đó, cổ đông chiến lược sẽ được chia cổ tức 1 tháng 1 lần cho số vốn góp vào Công ty BĐS Nhật Nam.
Cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào Công ty BĐS Nhật Nam
Mặc dù cam kết lợi nhuận cao như vậy nhưng thực tế, Công ty BĐS Nhật Nam lại đang bị Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình, các cơ quan chức năng phát đi cảnh báo “về việc có hành vi huy động vốn thông qua “Hợp đồng hợp tác kinh doanh" tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự”.
Cũng theo cảnh báo của các cơ quan chức năng, “mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty BĐS Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình "Ponzi" (lấy tiền của người trước trả cho người sau).
Để làm rõ việc huy động vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, phóng viên đã tìm đến Công ty BĐS Nhật Nam theo địa chỉ mà các cơ quan chức năng cảnh báo để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại địa chỉ 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP. HCM, hiện tòa nhà này đang trưng biển cho thuê văn phòng và Công ty BĐS Nhật Nam đã không còn hoạt động tại địa chỉ này.
Theo tìm hiểu, hiện Công ty BĐS Nhật Nam đã chuyển về địa chỉ số 449 - 451 đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp, TP. HCM. Phóng viên đã liên hệ gửi giấy giới thiệu, nội dung và được tiếp nhận tuy nhiên, đến nay Công ty BĐS Nhật Nam chưa có bất kỳ phản hồi về vấn đề huy động vốn cũng như cảnh báo của các cơ quan chức năng.
Nhìn nhận về việc cam kết lợi nhuận cao bất thường để huy động vốn, luật sư Lê Ngô Trung, Giám đốc Công ty luật Trung Lê Và Cộng Sự cho rằng, trước khi khách hàng quyết định tham gia vào hợp tác với mức lợi nhuận khủng như trên, thì có một số vấn đề đáng lưu tâm:
Thứ nhất, nếu một công ty có nền tài chính, tài sản và kế hoạch phát triển tốt thì họ hoàn toàn có khả năng đi vay từ nguồn ngân hàng. Vì vậy, tại sao họ phải chấp nhận đi huy động với mức lãi suất cao gấp nhiều lần như vậy? Kế hoạch của họ có khả thi hay không và tài chính của họ có lành mạnh hay không là điều có thể thấy được.
Thứ hai, về mặt pháp lý thì bản chất của “hợp đồng hợp tác kinh doanh” là cùng nhau phân chia lợi nhuận và rủi ro trong quá trình hợp tác. Trong khi đó, bản thân khách hàng (người tham gia hợp đồng) sẽ không nắm được việc hợp tác cụ thể ra sao? tiền giao cho họ được sử dụng như thế nào và có đúng mục đích hay không? … mà chỉ là phó thác vào lời hứa và niềm hy vọng họ sẽ thực hiện đúng.
Thứ ba, với mô hình là công ty cổ phần, một pháp nhân độc lập; do đó, trong trường hợp không có khả năng trả nợ, hoàn trả tiền như đã cam kết với các đối tác (bao gồm: người tham gia “hợp đồng hợp tác đầu tư”, bên thuê địa điểm và tất cả các nguồn phải chi trả khác) thì công ty này hoàn toàn dựa vào pháp luật về phá sản. Mà trong đó, khi các cổ đông (chủ sở hữu của công ty) đã góp đủ vốn điều lệ thì xem như đã hết trách nhiệm.
Thực tế, trước đây cũng đã có nhiều tổ chức, công ty đã sử dụng “chiêu trò” huy động vốn bằng hình thức “hợp đồng hợp tác kinh doanh” với cam kết lợi nhuận từ 28%/năm trở lên đã được xem là bất hợp lý về mặt tài chính, và kết quả đều dẫn đến việc công ty không còn khả năng chi trả, còn người tham gia thì hoàn toàn chịu thiệt hại, cụ thể là không còn khả năng thu hồi phần vốn gốc chứ chưa nói đến lợi nhuận. Trong các vụ việc này, mặc dù cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông đã cảnh báo bằng nhiều kênh phương tiện khác nhau, tuy nhiên nhiều người bị “hấp dẫn” của mức lợi nhuận được tô vẽ ra, nên đã bất chấp lời cảnh báo này và chấp nhận lao vào để rồi trở thành nạn nhân.