Những điểm tựa kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam sẽ bứt phá trong năm 2024

Đặc biệt, trong định hướng chính sách tiền tệ năm 2024 là tập trung mở rộng khả năng hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phục hồi, chớp cơ hội phát triển được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại những cơ hội cho doanh nghiệp phát triển bứt phá mạnh mẽ.

Bước vào năm mới 2024, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có động lực, tinh thần phát triển mạnh mẽ cũng như nhiều doanh nghiệp đang tìm hướng đi mới, nhất là chú trọng thúc đẩy khai thác kinh tế số, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập của nền kinh tế.

ho-tro-doanh-nghiep-03-1707701089.jpg
Nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. (Ảnh minh họa)

Các quyết sách, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), năm 2023, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, đây là lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp.

Góp phần cho sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, trước hết phải kể đến tác động từ các quyết sách, chính sách hỗ trợ quan trọng của nhà nước. Đáng kể, một loạt các giải pháp đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực.

Đồng thời, cũng chính trong thời điểm khó khăn nhất, quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đầu tư của Chính phủ trở thành nhân tố quan trọng đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ luôn kiên định phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách vì thế các văn bản pháp luật, các chính sách ngày càng thể hiện rõ nét tư tưởng, tinh thần vì doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp hoạt động, phát triển và nhờ đó đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

ho-tro-doanh-nghiep-01-1707701075.jpg
Khoảng 230.500 doanh nghiệp sẽ gia nhập nền kinh tế trong năm 2024. (Ảnh minh hoạ)

Theo TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký VINASME, Trong bối cảnh nếu tình hình thế giới không có biến động lớn, kinh tế trong nước có nhiều lợi thế phát triển, đồng thời dựa vào đà cải cách thể chế, thực hiện đồng bộ mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ khởi sắc, phát triển tốt hơn, bền vững hơn.

Theo đó, chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào mục tiêu của Nghị quyết số 02/NQ-CP đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; thực hiện đánh giá tác động toàn diện dựa trên luận chứng khoa học và thực tiễn trước khi đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định tác động tới người dân, doanh nghiệp.

Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phục hồi phát triển

Bước sang năm 2024, kinh tế toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý như: kinh tế thế giới vẫn trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn nhiều cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý…

Trong bối cảnh đầy thách thức như vậy, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm phục hồi nền kinh tế thông qua việc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô: Chính phủ, Quốc hội luôn trong tâm thế cải cách thể chế mạnh mẽ, mang tính đột phá, rà soát, bãi bỏ ngay lập tức các quy định gây trở ngại, hạn chế sản xuất, kinh doanh, không ban hành thêm các quy định gây phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp.

ho-tro-doanh-nghiep-03-1707701164.jpg
Nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. (Ảnh minh họa)

Ông Phan Đức Hiếu nói: "Chính phủ đề ra nhiều giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, trong đó nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp lớn, gồm: đổi mới sáng tạo, Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; hoàn thiện thể chế, nhất là về phát triển năng lượng xanh bao gồm cả an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng; tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo phát triển; tập trung vào công tác đào tạo nguồn nhân lực; thu hút đầu tư, nhất là đầu tư FDI".

Nhằm giúp nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, bà Bùi Thuý Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, định hướng chính sách tiền tệ năm 2024 là tập trung mở rộng khả năng hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phục hồi, chớp cơ hội phát triển mới trong năm nay: "Ngân hàng Nhà nước cũng đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 15% - Mục tiêu này có điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với diễn biến thị trường. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp về điều hành tín dụng, chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào ngành sản xuất; các lĩnh vực tạo động lực cho nền kinh tế. Cùng với đó, đơn giản hoá thủ tục vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn đối với người dân và doanh nghiệp"./.

Trọng Bình