Những chuyện lạ về con mèo

Trong cuộc sống thường ngày ở Việt Nam, các gia đình cũng thích nuôi mèo. Những giống mèo thường thấy là mèo mướp, mèo gio (mầu tro bếp), mèo khoang, mèo nhị thể, tam thể (do trộn lẫn từ hai, ba mầu lông…). Trên thế giới có hàng trăm thứ mèo được nuôi trong nhà. Đó là các giống mèo đã được thuần chủng hàng vạn năm. Có rất nhiều giống mèo lạ.

Nguồn gốc của chúng là những giống mèo trong thiên nhiên nhiên hoang dã thường thấy ở khắp các châu lục, tồn tại đến ngày nay và đang có nguy cơ tuyệt chủng bởi con người, giống như mèo ở Việt nam cũng có nguy cơ tuyệt chủng vì sự thái quá trong ăn chơi của những kẻ lắm tiền và những kẻ chỉ quan tâm đến tiền mà không nghĩ tới tác dụng của loài mèo đối với sự tồn tại của đời sống.

Châu Phi là nơi có nhiều giống mèo hoang dã nổi tiếng. Mèo Serval nặng tới 18kg, nhảy xa trên 3m, bước nhảy như xé rách không khí, không con mồi nào tránh thoát dưới nanh vuốt sắc nhọn của nó. Serval cũng là giống mèo duy nhất trên thế giới bắt được chim bằng sự khéo léo và chính xác phi thường. Giống nhân sư: Có hình dáng kỳ lạ, da nhăn, hầu như trụi lông, tai cực lớn, mắt như mắt nai, móng vuốt giống như móng vuốt của loài gấu trúc Mỹ. Tượng đá ở Ai Cập có thân sư tử, đầu người, là hình tượng tâm linh biểu hiện sức mạnh của trí tuệ con người và sức khoẻ phi thường của mèo nhân sư.

giong-meo-de-nuoi-nhat-1674608470.jpg

Giống Lion king: Được gọi là vua sư tử, vốn xuất xứ từ Iran, rất được người nuôi mèo yêu quí vì dáng vẻ lịch sự và lạ mắt của nó. Mèo Lion king có bộ lông ngắn tự nhiên ôm sát thân, thoạt trông ai cũng ngỡ được cắt tỉa bởi bàn tay người, vì vậy nó còn có tên là “sư tử trụi”. Dân Pari nuôi mèo Lion king còn đeo cho nó một vòng chuỗi xương cá nạm bạc quanh cổ con vật.

Giống mèo Cornish Rex: Nguyên quán vùng Cornwall nước Anh. Nó có bộ lông mềm như nhung, tai to, chân mảnh khảnh cao kều, trông giống chó đi săn mồi. Giống mèo Tail Longhair: xuất xứ từ Nhật Bản, có cái đuôi ngắn với chòm lông xoắn ngộ nghĩnh, thân mịn màng mầu trắng điểm những chấm vàng. Giống mèo tai cúp: là giống mèo rất được ưa thích ở Mỹ, có bộ lông dài, xoắn, mầu sắc sặc sỡ, mềm mại với đôi tai cong ngược về phía sau tạo thành một vòng hào quang phản chiếu quanh đầu.

Nói về những cái lạ ở mèo thì nhiều lắm. Tại chùa Phe Choang (Miến Điện) có nhà sư dạy được mèo làm xiếc. Tại đây những con mèo làm xiếc đều được đặt tên các diễn viên nổi tiếng như Madona… Nó có thể nhảy vút qua một chiếc vòng nhà sư giơ cao quá đầu. Tại Canađa, vì có công chữa răng cho vua và hoàng tộc mà Walter được nhà vua thưởng cho một hòn đảo mang tên Tetiaroa theo mơ ước của chàng nha sĩ. Nhưng thật bất hạnh cho Walter, trên đảo có cơ man các loài chuột quấy phá, đến nỗi ăn không ngon, một giấc ngủ yên cũng không thành. Chàng định trả lại đảo cho nhà vua thì có một người mách bảo: Hãy nuôi mèo để dẹp loạn chuột sẽ thành công. Chàng nghe lời, vào đất liền rao mua mỗi con mèo 3 đôla. Và chẳng mấy chốc đã thu thập được 200 chú mèo mang ra đảo.

Đói bụng lâu ngày, khi được phóng thích, các chú mèo thoải mái lao vào bắt chuột, nguồn thức ăn khoái khẩu dồi dào trên đảo. Nhưng rồi chuột cũng hết. Tai họa mới lại đến, đó chính là mèo. Mèo sinh sôi nẩy nở nhanh đến nỗi không có cách nào ngăn lại được. Thức ăn cho người và mèo ngày càng khan hiếm. May mà đảo Tetiaroa rất nhiều cá nên bọn mèo hàng ngày thường ra bờ biển mai phục, thậm chí lội cả xuống biển bắt cá mà ăn. Đảo Tetiaroa đã mang tên “đảo mèo” tự bấy giờ.

meo-khong-long-1674608547.jpg

Ở Nhật Bản cũng có chuyện giặc mèo như trên. Đảo Ishima là nơi hoành hành của hàng vạn con chuột đồng. Chúng phá phách đến nỗi chính phủ Nhật Bản đã phải huy động gần nửa triệu con mèo vào đoàn quân diệt chuột. Khi con tầu tiến vào hòn đảo, các chú mèo bị bỏ đói lâu ngày thấy mồi ngon chúng liền ào ạt tiến công. Ngay ngày đầu chúng đã giành thắng lợi lớn. Một tháng qua đi, không một ngư dân địa phương nào còn thấy tăm hơi lũ chuột nữa. Toàn đảo thở phào nhẹ nhõm, tổ chức lễ hội ăn mừng.

Nhưng ngày vui thật ngắn ngủi vì lũ mèo sau khi đã chén hết chuột không còn kiếm đâu ra thức ăn nữa. Mèo tấn công vào bếp, vào bữa ăn của người, tấn công vào các quầy thịt, cá ngoài chợ, rình rập, cào cấu, gào rú khắp nơi, thậm chí còn cào cắn cả người đi đường khi cơn đói đang lên. Loạn chuột thì dẹp được, nhưng loạn mèo trên đảo Ishima thì vẫn còn đến ngày ngay. Nhiều người không chịu nổi nạn giặc mèo đã phải đi nơi khác kiếm kế sinh nhai.

May mắn cho mèo khi nó được sống ở nước Anh. Tại đây hầu như nhà nào cũng nuôi mèo. Đã nhiều thế kỷ nay, ở ngôi nhà số 10 đường Đao-ning Thủ tướng Anh có tập quán sử dụng mèo như “công chức nhà nước” với nhiệm vụ được ghi rõ “để chống chuột phá hoại của cải công cộng”. Nghĩa là mèo có tên trong danh sách biên chế nhà nước hẳn hoi. Lương của chúng là 95 bảng Anh mỗi chú và có chế độ “nghỉ hưu đàng hoàng./.

Lưu Ba