Nhìn lại 1 năm mở cửa hàng không quốc tế

Dù Việt Nam đã mở cửa giao thương từ tháng 3/2022, nhưng thị trường hàng không quốc tế không đạt được các chỉ số phục hồi như kỳ vọng. Có ý kiến cho rằng, phải cuối năm 2024, hàng không Việt Nam mới đạt được lượng khách quốc tế như năm 2019.
hang-khong-1678929790.jpg

Việc Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày

15/3 đã mang đến sự sôi động cho không chỉ thị trường du lịch mà còn cả thị trường hàng không Việt Nam

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) về thị trường hàng không toàn cầu thì sản lượng luân chuyển hành khách quốc tế năm 2023 dự kiến bằng 80% so năm 2019 và nội địa đạt khoảng 95% so với năm 2019.

Tuy nhiên, tốc độ hồi phục tại các khu vực khác nhau. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được dự báo phục hồi chậm nhất. Doanh thu vận tải hành khách dự báo tăng và ngành hàng không toàn cầu sẽ có lãi trở lại.

Đối với Việt Nam, IATA nhìn nhận hết năm 2022, thị trường hàng không nội địa đã phục hồi hoàn toàn và có sự tăng trưởng cao so với năm 2019. Thị trường quốc tế dần hồi phục và dự báo sẽ đạt mức 2019 vào cuối năm 2023 và thị trường hàng không Việt Nam sẽ hoàn toàn hồi phục vào cuối năm 2023.

Không như kỳ vọng

Tuy nhiên, "bức tranh" hàng không của năm 2022 và cả những tháng đầu năm 2023 chưa được như kỳ vọng.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, trong năm 2022, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 11 triệu khách. Con số này chỉ bằng 28% so 2019 và cho đến 2 tháng đầu năm 2023, thị trường mới chỉ đạt 64% so với năm 2019.

Đối với thị trường quốc tế, cơ quan chức năng đã chủ động và tích cực trao đổi với Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và các nhà chức trách hàng không các quốc gia đối tác trong việc mở lại các đường bay quốc tế và hỗ trợ các hãng hàng không tháo gỡ khó khăn trong quá trình khôi phục các đường bay quốc tế.

"Tốc độ hồi phục đang diễn ra chậm, mặc dù Việt Nam đã dỡ bỏ các hạn chế đối với hành khách nhập cảnh từ 15/3/2022, khôi phục lại chính sách miễn thị thực cho 25 quốc gia từ tháng 5/2022", đại diện Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines đưa ra con số so sánh năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế tuy nhiên chỉ đón 3,66 triệu lượt khách, đạt 73% kế hoạch.

hang-khong-1-1678929816.jpg
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 34 triệu lượt khách quốc tế năm, bằng khoảng 80% so với năm 2019. Ảnh minh họa

Phụ thuộc các thị trường lớn

Ngoài việc nêu chính sách visa chưa cạnh tranh so với các nước trong khu vực khi thời gian miễn thị thực ngắn (15 ngày); chưa có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo; các chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại du lịch tại thị trường nước ngoài còn thiếu và yếu, đại diện Vietnam Airlines cũng cho rằng Việt Nam chưa đa dạng được thị trường nguồn du lịch, việc phụ thuộc lớn vào các nguồn khách Đông Bắc Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) khiến ta ít có phương án thay thế khi các thị trường này gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways thì cho rằng nguyên nhân do các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc còn mở rất thận trọng (như Trung Quốc, Nhật Bản). Trong khi đó, doanh thu từ thị trường hàng không Trung Quốc vốn chiếm khoảng 30% nhưng thị trường này mới chỉ bắt đầu mở cửa cho khách du lịch theo đoàn đến Việt Nam từ hôm nay (15/3).

Kỳ vọng tháo gỡ chính sách visa

Việc Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3 đã mang đến sự sôi động cho không chỉ thị trường du lịch mà còn cả thị trường hàng không Việt Nam. Các hãng hàng không Việt Nam đang ráo riết có sự chuẩn bị để sẵn sàng đón lượt khách Trung Quốc đầu tiên đến Việt Nam.

Theo thống kê, năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19), Vietnam Airlines phục vụ 8,1 triệu lượt khách giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiếm tỉ trọng 19% tổng số lượng khách quốc tế của Vietnam Airlines và nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của hãng.

Với kịch bản lạc quan là Trung Quốc tiếp tục nới lỏng các thủ tục liên quan, nhu cầu đi lại, du lịch tăng lên, ông Trịnh Ngọc Thành cho biết Vietnam Airlines kỳ vọng lượng khách bay giữa hai nước năm 2023 sẽ phục hồi tốt.

Ngoài đường bay tới Trung Quốc, Vietnam Airlines đã cơ bản đã khôi phục mạng đường bay đến hầu hết các quốc gia, điểm đến trước dịch COVID-19 (trừ Nga và Myanmar) và sắp tới nghiên cứu mở thêm các đường bay đến Ấn Độ.

"Với những nước miễn visa, có đường bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng lên gấp đôi, chứ không phải tăng lên mức độ trung bình 5-10%. Do vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để có thể sớm nới lỏng và mở rộng chính sách visa, đảm bảo cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore", ông Trịnh Ngọc Thành đề xuất.

Đối với mục tiêu đạt 34 triệu lượt khách quốc tế năm 2023 (bằng khoảng 80% so với năm 2019), ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hành khách (Cục Hàng không Việt Nam) nhìn nhận con số này đạt được hay không còn phụ thuộc lớn vào việc tháo gỡ nút thắt visa.