Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt phục hồi

Nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp hàng không Việt, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam chủ trì tổ chức Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt” với sự tham gia đóng góp ý kiến của lãnh đạo đại diện các Bộ, ban ngành trung ương, các chuyên gia tài chính – kinh tế - hàng không, các doanh nghiệp hàng không,...

Theo công bố của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trong năm 2022, Việt Nam đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Ngay từ tháng 4/2022, thị trường vận chuyển hàng không quốc nội đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. 69 đường bay nội địa đã được các hãng hàng không tái khai thác, mở mới và tăng tần suất. Nhờ vào sự bùng nổ nhu cầu di chuyển trong giai đoạn cao điểm hè, sản lượng khách nội địa đã hồi phục hoàn toàn và tăng trưởng 40 – 42% so với cùng kỳ năm 2019 trong các tháng 6 - 8/2022.

Ở thị trường quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế, gấp 22 lần so với năm 2021.

hkvn-4-9718-1677247974.jpg
Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang phải đối diện với nhiều sức ép cạnh tranh. Ảnh minh họa

Bên cạnh việc tăng cường công suất, các hãng hàng không cũng nhanh chóng đi tắt đón đầu trong hoạt động nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không, cũng như xây dựng các dòng sản phẩm mới, đa dạng, hấp dẫn để đáp ứng nhu cầu hành khách. Nhờ những nỗ lực vượt bậc này, các hãng bay Việt đã ghi nhận doanh thu liên tục đạt mức cao kỷ lục thời gian qua.

Theo kịch bản lạc quan của Cục Hàng không, ngành hàng không Việt Nam có thể đạt mức hồi phục toàn phần vào cuối năm 2023. Dự kiến, tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 ước đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022.

Tuy nhiên, giữa bức tranh khởi sắc chung của toàn ngành, nhiều ý kiến cho rằng sự phục hồi ở các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng hàng không là chưa đồng đều. Đặc biệt khi các hãng bay vẫn phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi mới nảy sinh.

Giá nhiên liệu bay (Jet A1) liên tục tăng vọt trong năm 2022, có thời điểm đạt mức trên 160 USD/thùng. Bình quân cả năm 2022, giá nhiên liệu bay đạt 130 USD/thùng, tăng khoảng 80% so với mức trung bình của năm 2021. Trong giai đoạn trước mắt, giá Jet A1 vẫn được dự báo dao động ở mức 110-130USD/thùng, gây bất lợi lớn cho các hãng hàng không, trong bối cảnh chi phí nhiên liệu chiếm tới hơn 40% tổng chi phí khai thác.

Bên cạnh đó, USD tăng giá khoảng 9% so với VND trong năm 2022 cũng gây áp lực tài chính lớn cho các hãng bay, khi đây là đồng ngoại tệ được sử dụng phổ biến nhất để thanh toán các chi phí hoạt động, như: phí mua nhiên liệu, thuê mua tàu bay, dịch vụ thuê ngoài phục vụ hành khách. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tài chính, VND trong 2023 vẫn còn dư địa giảm giá khoảng 3 – 4% so với USD.

Đây đều là các nhân tố ảnh hưởng mạnh tới khả năng điều tiết giá cả một cách hiệu quả của các hãng bay, cũng như toàn thị trường. Do đó, trong ngành hàng không nội địa đang tồn tại một nghịch lý, là mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng nhiều hãng bay vẫn báo lợi nhuận ở mức âm.

941hoi-nghi-2-1677247974.jpg
Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt" bàn giải pháp để doanh nghiệp hàng không nâng cao sức cạnh tranh. Ảnh: Hà Anh

Chia sẻ thêm về những khó khăn của hàng không Việt, tại Tọa đàm, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho biết: Bên cạnh những yếu tố bất lợi kể trên, trong thời gian tới, không những Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp hàng không mới, mà còn có thêm những doanh nghiệp hàng không của nhiều quốc gia nữa cũng sẽ triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Như vậy, sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam không chỉ lớn hơn, từ nhiều phía hơn, mà còn đa dạng hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp hàng không Việt Nam phải có những nỗ lực toàn diện để tạo ra năng lực cạnh tranh tổng hợp để duy trì và cải thiện vị thế của mình.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, thị trường hàng không Việt Nam được dự báo sẽ bật tăng mạnh sau đại dịch. Trong năm 2023 và tiếp theo, triển vọng ngành là khả quan, với sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố vĩ mô, môi trường quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, tình hình tài chính của các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, khả năng cắt lỗ trong năm nay còn mong manh, rất cần sự quan tâm và tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước.

Đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không, TS. Cấn Văn Lực cho hay, hiện nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 1/1/2023. Còn Bộ Công Thương đang đề xuất điều chỉnh về thời gian điều hành giá xăng dầu (giảm 10 ngày xuống 7 ngày và quy định vào ngày thứ năm hàng tuần, không kể ngày nghỉ lễ) đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giãn hoãn một số loại thuế, tiền thuê đất… trong năm 2023, với tổng số tiền thuế đề nghị gia hạn khoảng 110.000 tỷ đồng (tương ứng chi phí cơ hội khoảng 3.200 tỷ đồng).

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp hàng không Việt, ông Lực khuyến nghị: Việc duy trì chính sách giảm tiền thuê đất, mặt nước; giãn hoãn tiền thuế; giảm một số loại phí dịch vụ tại các cảng hàng không như năm 2022 là cần thiết. Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có thể cho phép mức độ giảm phù hợp, đảm bảo hài hòa, chia sẻ khó khăn để vượt qua thách thức, nuôi dưỡng nguồn thu.

Mặt khác, theo ông Lực, do thị trường hàng không Việt ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, nên việc dùng các biện pháp hành chính như áp giá trần, giá sàn hay đưa qui định về giá, phí vào Luật giá sửa đổi cần phải hết sức cân nhắc, hạn chế can thiệp sâu bằng các biện pháp hành chính đối với lĩnh vực này. Và đáp lại, các doanh nghiệp hàng không cần trở nên minh bạch, chuyên nghiệp hơn nữa.

Đông Nghi