Người lao động phấn khởi trở lại làm việc
Phát bao lì xì đầu năm mới lấy lộc là một trong những hoạt động chào mừng công nhân, người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đều lựa chọn ngày 30/1 để khai trương, hoạt động trở lại. Ngay từ những ngày đầu năm, thị trường lao động tỉnh Bình Dương, một trong những địa bàn có đông công nhân, người lao động nhất cả nước, đã có nhiều thông tin tích cực.
Cụ thể, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, dự báo quý I/2023 nhu cầu của thị trường cần khoảng 10.000 lao động, bao gồm nhu cầu tuyển dụng lao động mới để mở rộng sản xuất và một phần là tuyển bù đắp số lượng lao động không trở lại làm việc. Trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông có kinh nghiệm, tay nghề với mức thu nhập ổn định, hấp dẫn chiếm đến 80%.
"Năm nay cũng là năm thách thức rất lớn với ngành xây dựng và trang trí nội thất. Chúng tôi mong thị trường sẽ có một sự khởi sắc trở lại để giúp chúng tôi vượt qua khó khăn này. Đó không chỉ là mong muốn của riêng doanh nghiệp nào, mà là mong muốn của toàn thể các doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay. Tất cả đều mong chờ một năm 2023 khởi sắc với nhiều bứt phá, để tạo được công việc ổn định cho người lao động, từ đó đảm bảo an sinh xã hội", ông Nguyễn Kim Trọng, Giám đốc Sản xuất Công ty CP Xây dựng và Thương mại TTT, cho biết.
Mọi thứ đã sẵn sàng cho năm 2023
Theo chị Q., công nhân Công ty tại quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, năm nay người lao động (NLĐ) được nghỉ Tết dài ngày hơn các năm trước nên chị có thời gian dành cho gia đình. Theo chị Q., công ty bắt đầu làm việc từ 27/1 (ngày 6 tháng giêng, Quý Mão 2023). Tại xưởng số 6, chị đang làm việc có 20 công nhân thì đã có 18 công nhân làm việc đúng ngày. “Chúng tôi được lãnh đạo công ty chúc Tết, lì xì đầu năm, ai cũng tích cực làm việc với hy vọng một năm mới may mắn, thành công”, chị Q. phấn khởi nói.
Khu nhà trọ Hải Hà (TP. Dĩ An, Bình Dương) có 50 phòng trọ là nơi ở của nhiều công nhân Khu công nghiệp Sóng Thần đã gần lấp đầy. Chủ nhà trọ bà Trần Thị Thảo cho biết, tôi kinh doanh nhà trọ nhiều năm nhưng năm nay là lần đầu tiên nhà trọ có người ở tới 90% trước ngày cả nước đi làm sau dịp Tết Nguyên đán; đa phần trong số công nhân là những người thuê cũ, chỉ khoảng 10% là người mới.
Ông Lê Văn Đức, Tổng Giám đốc Công ty TNHH An Dương (Khu Công nghiệp Trảng Bàng, Tây Ninh) cũng cho hay, doanh nghiệp của ông có gần 3.000 công nhân đến nay có 92% đã quay trở lại làm việc. Theo ông Đức, năm qua mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng công ty vẫn trả lương và chăm lo Tết đầy đủ cho anh chị em công nhân nên công ty vẫn luôn nhận được sự ủng hộ của NLĐ.
Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho thấy, trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết, tính chung tất cả các lĩnh vực ngành nghề, tỉ lệ người lao động trở lại làm việc đạt 95% so với thời điểm trước Tết. Tại tỉnh Bình Dương, Liên đoàn Lao động và Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, một số doanh nghiệp lớn có tỉ lệ NLĐ trở lại cao hơn năm trước, đạt trên 90%.
Cũng theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, có khoảng 95 - 96% lao động đã quay trở lại doanh nghiệp làm việc sau kỳ nghỉ Tết, có doanh nghiệp đạt gần 100% lao động đi làm. Tỉnh Long An cũng có 92% và tỉnh Bình Phước có 91% lao động trở lại làm việc.
Chờ đợi cơ hội việc làm mới
Bên cạnh những NLĐ trở lại nơi làm việc thì có không ít người đã vào Nam sớm để tìm cơ hội việc làm mới. Anh Lê Công Toàn, quê ở Nghệ An cho biết, năm qua anh không được may mắn khi công ty đã cho công nhân nghỉ không lương tới 6 tháng vì không có hợp đồng hàng mới, sau 2 tháng chờ đợi chưa tìm được cho mình công việc phù hợp, anh Toàn đành về quê. Đón Tết cùng gia đình xong, ngày 4 tháng Giêng, anh Toàn vào tỉnh Bình Dương để tìm kiếm việc làm mới.
Năm 2022, may mặc cũng là ngành chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực, chính vì vậy nhiều công ty may phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng. Chị Dương Thị Hiền chia sẻ, trước đây chị làm công nhân may cho một công ty ở Bình Phước, tuy nhiên vừa qua công ty giảm lao động và chị Hiền cũng nằm trong số đó, vì vậy chị đành về quê Vĩnh Long sớm. Ngày 6 Tết chị Hiền vào TP.HCM tìm việc làm, may mắn có người quen giới thiệu việc làm tại một công ty may ở huyện Nhà Bè.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đánh giá, người lao động quay trở lại làm việc đạt tỉ lệ cao là tín hiệu tốt. Có được điều này là do các công ty, doanh nghiệp đã công khai, minh bạch chế độ lương, thưởng để giữ chân NLĐ. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ, chăm sóc tốt để thu hút NLĐ.
Không có tình trạng “nhảy” việc
Từ 27/1 (tức mùng 6 Tết) nhiều doanh nghiệp, nhà máy đã trở lại hoạt động. Theo đánh giá từ các địa phương, năm nay sẽ khó xảy ra tình trạng nhảy việc, có chăng chỉ diễn ra ở một vài doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Lý do, đa phần NLĐ đều mong muốn có nơi làm việc ổn định. Ngoài ra, trước Tết đa phần các doanh nghiệp đều thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi an sinh tốt do vậy giữ chân được NLĐ sau Tết.
Năm 2023, ngành may mặc dự báo sẽ là ngành hàng gặp nhiều khó khăn về đơn hàng song với việc cam kết đảm bảo công việc ổn định cho NLĐ nên theo ghi nhận, lao động quay trở lại làm việc khá đông đủ không có tình trạng “nhảy” việc. Dù hoạt động sản xuất sớm hơn (ngày 27/1) nhưng 5.000 công nhân của Công ty Dệt may Huế đã có mặt đông đủ để bắt đầu ca làm việc sản xuất cho đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ.
Theo lãnh đạo Công ty, trước Tết Công ty có chính sách lương thưởng thỏa đáng cùng với đó là cam kết sẽ đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động cũng như chính sách phúc lợi đầu năm nên 100% NLĐ đã quay trở lại công ty sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.
Tương tự, tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt, khu công nghiệp Cảng biển Hải Hà (Quảng Ninh), theo kế hoạch, 2.750 công nhân công ty sẽ quay trở lại làm việc vào ngày mùng 9 Tết (tức 30/1).
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, qua nắm bắt nhanh tại các đơn vị, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, đa số NLĐ tại các doanh nghiệp sẽ quay trở lại thành phố làm việc vào ngày 30/1 (tức ngày mùng 9 Tết). Tuy nhiên, trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2023 (ngày mùng 6 Tết Nguyên đán), đã có khoảng gần 40% doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội mở cửa hoạt động và có đến 98% số công nhân thuộc các doanh nghiệp này đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.