Nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng tại khu vực Tây Nguyên

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Nguyên, nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng tại khu vực Tây Nguyên sẽ được ngành ngân hàng triển khai thực hiện trong thời gian tới.
ca-phe-1697794568.jpg
Nhiều giải pháp thúc đẩy tín dụng tại khu vực Tây Nguyên. Ảnh minh họa

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, Tây Nguyên có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển chung của cả nước. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh của khu vực Tây Nguyên, những năm qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực.

Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư, với dư nợ đạt hơn 297 nghìn tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022 (tăng trưởng của toàn quốc là 4,37%), chiếm tỷ trọng trên 58% tổng dư nợ của khu vực.

Đáng chú ý, tín dụng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của vùng có mức tăng trưởng tốt, 2/3 mặt hàng thế mạnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ 2022 (cà phê và cao su), trong đó dư nợ cho vay cà phê đạt trên 76 nghìn tỷ đồng, tăng 7,06% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 giảm 2,4%).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư tín dụng nói chung và tại khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với không ít những khó khăn trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp tín dụng cụ thể: Tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.

Các tổ chức tín dụng cần tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại, các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng. Tiếp tục rà soát, cắt giảm phí nhằm, tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân...

Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng.

Bên cạnh đó, củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Hương Lan