Nhiều điểm nghẽn trong thu hút đầu tư xanh tại Đông Nam Bộ

Mặc dù vững vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có nhiều điểm nghẽn cần nhanh chóng tháo gỡ để khu vực này nâng cao hiệu quả trong thu hút đầu tư xanh.
khu-cong-nghiep-1697699406.jpg
Nhiều điểm nghẽn trong thu hút đầu tư xanh tại Đông Nam Bộ. Ảnh minh họa

Là khu vực dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Đông Nam Bộ được đánh giá là vùng có tiềm năng và động lực để thu hút dòng vốn đầu tư chất lượng cao, bao gồm cả vốn đầu tư trong và ngoài nước, tập trung vào các lĩnh vực xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương tại đây, tình hình thu hút đầu tư xanh thời gian qua chưa đạt kỳ vọng do vấp phải nhiều điểm nghẽn.

Theo các chuyên gia, do các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xanh hiện chưa đồng bộ do đang trong quá trình xây dựng. Do đó, đến nay vẫn chưa có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể để các địa phương, người dân và doanh nghiệp thực hiện đầu tư xanh. Một khó khăn khác đặt ra đối với đầu tư xanh hiện nay là nhận thức của doanh nghiệp và người dân chưa đầy đủ. Nguyên nhân là doanh nghiệp, người dân và ngay cả các tổ chức trong nước thiếu thông tin về lĩnh vực này.

Chia sẻ về vấn đề này tại hội thảo “Thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ” mới đây, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đánh giá, ở thời điểm hiện tại, động lực tăng trưởng kinh tế từ hội nhập đang giảm dần do không nhiều dư địa để khai thác các thị trường quốc tế. Do đó, cần chuyển hướng khai thác từ chính nội lực, đó là chuyển đổi nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh".

Để thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ, theo TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, trước hết cần tăng cường nhận thức về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và đầu tư xanh. Đồng thời, cần có chương trình khung về chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nâu" sang "xanh" bởi các quy định hiện nay đang nằm phân tán tại nhiều văn bản khác nhau. Bên cạnh đó là các giải pháp về tài chính, như tín dụng xanh, cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh; chính sách thuế, hình thành các thị trường tín chỉ carbon. Còn ở góc độ vùng, phải có cơ chế liên vùng, cải cách môi trường kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực... song song với chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi xanh.

Ngoài ra, các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần liên kết, phối hợp thực hiện tăng trưởng xanh. Cần một "hội đồng vùng" để thống nhất chỉ đạo thực hiện vấn đề này và nhiều vấn đề liên kết phát triển khác. Cần có một thể chế phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng xanh và đặc biệt là cần tiêu chí chung về vấn đề này... Truyền thông phải vận động nhiều hơn cho một hệ thống tư duy, công cụ chính sách ưu đãi mới, phải thay đổi các luật liên quan mà đầu tiên là luật khuyến khích ưu đãi đầu tư và các luật khác.

Hương Lan