Nhiều chính sách phát triển hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, chăn nuôi đã góp phần bảo đảm an ninh thực phẩm quốc gia, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì sản xuất diễn ra bình thường để bảo đảm cung ứng cơ bản đủ thực phẩm cho gần 100 triệu người dân, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp trong việc thực hiện vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế và ổn định tình hình xã hội của cả nước. 

Được biết, chăn nuôi Việt Nam đang chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng nhưng đây cũng là loại hình kinh tế tạo được nhiều việc làm và góp phần cải thiện thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn.

Ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,0-6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn. Thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.

Thực tế hiện nay, rất cần chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi để góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế ngày càng tăng; thị trường các sản phẩm gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định, đảm bảo nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi; từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, an toàn thực phẩm; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được cập nhật, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả.

images1194936-unnamed-1662099385.jpg
Ảnh minh họa.

Nhằm đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi trong nước, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Qua đó, sẽ hỗ trợ tổ hợp tác, Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp xây dựng vùng trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không quá 50% chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: đường giao thông nội đồng, thủy lợi, hệ thống tưới tiêu, điện, khu tập kết sản phẩm sau thu hoạch; mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp không quá 50% chi phí mua giống cây trồng làm thức ăn chăn nuôi gồm: ngô lấy hạt, ngô sinh khối, sắn, cỏ, cao lương; mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ hợp tác, HTX không quá 50% chi phí thuê đất, thuê mặt bằng, thuê mặt nước; thu gom, chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng vùng trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án.

Bên cạnh dó, hỗ trợ tổ hợp tác, HTX không quá 50% chi phí mua vật tư, thiết bị thu gom, đóng gói, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tổ hợp tác, HTX không quá 50% chi phí mua bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi dạng hàng rời tại trại chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/dự án.

Hỗ trợ doanh nghiệp không quá 50% kinh phí mua thiết bị, bản quyền công nghệ từ nước ngoài để sản xuất nguyên liệu đơn làm thức ăn bổ sung; mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/dự án.

Dự thảo nêu rõ điều kiện được hỗ trợ là: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự án đầu tư phải đảm bảo hoạt động ổn định tối thiểu trong 05 năm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.

Hỗ trợ không quá 50% giá trị xây dựng kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 03 tỷ đồng/kho lạnh.

Điều kiện được hỗ trợ là các dự án đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký hỗ trợ kinh phí dự án đầu tư xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; dự án xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nộp hồ sơ về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với dự án do ngân sách cấp tỉnh cấp, gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với dự án do ngân sách Trung ương cấp.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thi Nguyên (t/h)