Nhiều chính sách kinh tế nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 8/2022

Trong tháng 8/2022, 1 loạt chính sách kinh tế mới sẽ có hiệu lực như: quy định mới về lãi suất rút trước hạn, thu phí không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc đường bộ...

Cách tính giá khởi điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá

Ngày 27/6/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 11/2022/TT-BCT quy định về phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá. Thông tư 11/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 12/8/2022.

Cụ thể, Điều 10 Thông tư 11/2022/TT-BCT hướng dẫn cách tính giá khởi điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá như sau: Giá khởi điểm và bước giá do Hội đồng đấu giá quy định, công bố chi tiết tại Thông báo tổ chức, niêm yết về việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá.

Công thức xác định giá khởi điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường như sau: Giá khởi điểm = (Giá nhập khẩu - Giá mua đường trong nước) x hệ số X. Trong đó: Giá nhập khẩu được tính bằng giá CFR của đường tinh luyện + phí bảo hiểm + thuế nhập khẩu + thuế giá trị gia tăng + chi phí vận chuyển bốc xếp nội địa (giá CFR của đường tinh luyện nhập khẩu được tham chiếu trên thị trường London vào ngày Thông báo tổ chức đấu giá); Giá mua đường trong nước là giá bán buôn đường tinh luyện giao tại nhà máy + chi phí vận chuyển bốc xếp nội địa + thuế giá trị gia tăng (giá bán buôn đường tinh luyện giao tại nhà máy được xác định trên cơ sở giá bình quân của hai miền Nam, Bắc vào ngày Thông báo tổ chức đấu giá); Hệ số X là hệ số biến thiên, được Hội đồng đấu giá quy định và công bố sau khi được Chủ tịch Hội đồng đấu giá phê duyệt, căn cứ vào diễn biến tình hình cung cầu mặt hàng đường tại thời điểm tổ chức Phiên đấu giá.

img-bgt-2021-gui-tien-ngan-hang-1634549945-width1200height800-1658832608.jpeg
Ảnh minh họa

Tiền đặt trước: Số tiền đặt trước có giá trị tương đương với 10% giá trị của số lượng đường thương nhân đăng ký tham gia phân giao theo phương thức đấu giá được tính theo giá khởi điểm.

Thu phí điện tử không dừng trên tất cả các tuyến cao tốc

Từ 1/8, Bộ GTVT và các địa phương sẽ phải triển khai thu phí hoàn toàn tự động (ETC) đối với tất cả tuyến cao tốc. Nếu tài xế không dán thẻ tham gia dịch vụ ETC mà đi vào cao tốc sẽ bị xử phạt theo quy định. Theo đó, các trường hợp không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Trước đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã tổ chức thu phí toàn bộ theo hình thức tự động không dừng từ ngày 1/6/2022.

Thuê bao mới phải xác thực cơ sở dữ liệu dân cư

Từ 1/8, các thuê bao di động mới phát sinh phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng sim rác.

Trong đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất quy trình thực hiện cấp số thuê bao mới, thực hiện rà soát cơ sở pháp lý và lựa chọn các giải pháp, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, phương án tổ chức thực hiện đối soát, xác thực thông tin thuê bao đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông và các ngành, nghề kinh doanh có liên quan sử dụng số điện thoại di động.

Rút tiết kiệm trước thời hạn vẫn hưởng lãi cao

Ngân hàng Nhà Nước ban hành thông tư số 04/2022/TT-NHNN Quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022.

Cụ thể, trường hợp rút toàn bộ tiền gửi áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.

Trường hợp rút một phần tiền gửi trước hạn áp dụng mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn...

Anh Vân (t/h)