Nhật Bản: Lạm phát tiêu dùng ở thủ đô Tokyo tăng nhanh nhất trong 40 năm

Bộ Nội vụ, Thông tin và truyền thông Nhật Bản ngày 25/11 đã công bố báo cáo cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tổng hợp tại thủ đô Tokyo Nhật Bản, đã ghi nhận mức cao nhất trong hơn 40 năm qua là 3,6%.

Cụ thể, mức tăng 3,6% nói trên của Tokyo đánh dấu tốc độ lạm phát tiêu dùng hàng năm tăng nhanh nhất trong 40 năm qua, một dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang gia tăng. Mức tăng này chủ yếu đến từ tiền điện và giá thực phẩm theo sau sự tăng giá nguyên liệu, mở ra tương lai ảm đạm cũng như cảnh báo về nền kinh tế Nhật Bản mong manh, dễ sụp đổ.

Sự gia tăng chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI) của Tokyo, không bao gồm thực phẩm tươi sống nhưng bao gồm chi phí nhiên liệu, vượt quá dự báo trung bình của thị trường ở mức 3,5% và tăng nhanh từ mức 3,4% trong tháng 10, theo dữ liệu do Chính phủ Nhật bản công bố hôm 25/11.

Được biết, lần cuối cùng lạm phát ở Tokyo tăng cao nhất là vào tháng 4 năm 1982, khi chỉ số CPI lõi cao hơn 4,2% so với một năm trước đó.

Lạm phát lõi ở Tokyo trong tháng 11 vẫn luôn cao hơn mức lạm phát mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đưa ra trong tháng thứ sáu liên tiếp, gây nghi vấn về việc tăng giá gần đây (do chi phí tăng) sẽ chỉ là tạm thời. Chỉ số CPI lõi của Tokyo, bỏ qua cả thực phẩm tươi sống và chi phí nhiên liệu, vào tháng 11 đã tăng hơn 2,5% so với năm ngoái, cao hơn mức 2,2% hàng năm vào tháng 10.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản, đã giữ lãi suất cực thấp với quan điểm tình trạng lạm phát gia tăng gần đây sẽ chỉ là tạm thời, là một ngoại lệ giữa làn sóng ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát tăng vọt.

np-file-189572-1669394588.jpeg
Người dân đang mua sắm trong một cửa hàng dược phẩm ở Tokyo ngày 21/10. Ảnh minh họa

Trái ngược những gì một số nền kinh tế phương Tây trải qua, nơi mà tiền lương tăng cao do lạm phát, Nhật Bản vẫn không thấy bất kỳ dấu hiệu gì về mức tăng đối với tiền lương và giá dịch vụ.

Trong số các thành tố tạo nên CPI của Tokyo, giá dịch vụ trong tháng 11 chỉ tăng 0,7% so với năm trước, trái ngược với mức tăng đột biến 7,7% của giá hàng hóa lâu bền trong tháng 11.

Dữ liệu riêng do BOJ công bố hôm 25/11 cho thấy chỉ số giá dịch vụ doanh nghiệp, chỉ số đo lường mức giá mà các công ty tính phí dịch vụ của nhau, vào tháng 10 đã tăng 1,8% so với năm ngoái. Con số này thấp hơn mức tăng 2,1% hàng năm vào tháng 9.

Ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc BOJ đã nhiều lần nói rằng, để giữ lạm phát ở mức mục tiêu 2% một cách bền vững, tiền lương phải tăng đủ để bù đắp sự gia tăng của giá hàng hóa.

Thi Nguyên (t/h)