Nhập khẩu gỗ của châu Phi vào Việt Nam ngày càng tăng

Do nhu cầu về nguồn nguyên liệu, hằng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,3 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ, trị giá hơn 500 triệu USD/năm từ thị trường châu Phi.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đòi hỏi một khối lượng lớn và ngày càng tăng của nguyên liệu gỗ đầu vào nhằm cung cấp cho ngành. Hiện tại, tại Việt Nam cấm khai thác rừng tự nhiên, vì vậy không có gỗ khai thác từ nguồn này. Nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước (chủ yếu là gỗ keo) là rất lớn và đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, vượt 30 triệu mét khối/năm (m3/năm).

Tuy nhiên, khoảng 80% gỗ rừng trồng có quy mô nhỏ và đang được sử dụng để sản xuất dăm gỗ và viên nén; 20% còn lại dùng để sản xuất đồ nội thất. Bên cạnh đó, dù sản lượng cây phân tán và cao su khai thác trong nước lớn, tương ứng khoảng 2-3 triệu và 4 triệu mét khối (m3) mỗi năm, nguồn cung gỗ trong nước trong bối cảnh cấm khai thác rừng tự nhiên không đủ cung cấp cho ngành đang mở rộng. Chính vì vậy, gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ tròn (HS 4403) và gỗ xẻ (HS 4407) đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của ngành.

Trước nhu cầu về nguồn nguyên liệu, hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn (RWE) gỗ tròn và gỗ xẻ từ hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Phi đã trở thành nguồn cung cấp gỗ nhiệt đới quan trọng nhất của Việt Nam, cung cấp khoảng 1,3 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ, trị giá hơn 500 USD/năm.

go-1667969030.jpg
Gỗ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam hiện có xu hướng gia tăng. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, gỗ nhập khẩu từ châu Phi ngày càng được nhân rộng, bao gồm các nguồn từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các nước có khối lượng gỗ lớn nhất xuất khẩu sang Việt Nam là Cameroon, Congo, Kenya, Nam Phi, Nigeria và Ghana… Lượng gỗ tròn từ châu Phi xuất khẩu sang Việt Nam chiếm số lượng lớn nhất, tới 70% và Cameroon là quốc gia xuất khẩu gỗ xẻ lớn nhất cho Việt Nam trong những năm gần đây.

Theo VIFOREST, trong số các loại gỗ tròn được các doanh nghiệp nhập khẩu về, thì các loại lim, gõ, xoan đào và hương là 4 loài gỗ tròn được nhập khẩu nhiều nhất từ Châu Phi, trong đó gỗ lim tròn nhập khẩu hàng năm lên đến 250 nghìn m3, giá trị hàng trăm triệu USD.

Đánh giá về vấn đề này, tại hội thảo “Tìm hiểu các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ một số nước châu Phi tại Việt Nam”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu, bao gồm cả gỗ nhập khẩu từ châu Phi, là một yêu cầu tố trọng tâm của Nghị định số 102/2020/ND-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS). Vì vậy, hiểu biết các yêu cầu về tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu từ châu Phi là chìa khóa để thực thi VNTLAS.

Trên thực tế, gỗ nhập khẩu từ châu Phi ngày càng được nhân rộng, song tại Việt Nam, thông tin liên quan tới các yêu cầu về tính hợp pháp tại các quốc gia khai thác gỗ ở châu Phi còn khan hiếm. Thông tin ít ỏi có thể cản trở sự tuân thủ của người tham gia, từ đó có thể vướng những rủi ro về tính hợp pháp của các sản phẩm nhập khẩu. Điều này cho thấy nhiều thách thức về triển khai VNTLAS tại Việt Nam trong tương lai do sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đòi hỏi một khối lượng lớn và ngày càng tăng nguyên liệu gỗ đầu vào.

Để đảm bảo gỗ nhập khẩu vào Việt Nam là hợp pháp Việt Nam đã đưa ra Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đã tăng thêm thủ tục hành chính và thời gian thông quan cho các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ. Theo đó, doanh nghiệp phải thực hiện bản kê khai nguồn gốc gỗ nhập khẩu, nộp bổ sung tài liệu nếu gỗ nhập khẩu từ loài rủi ro hoặc từ vùng địa lý không tích cực, đồng thời, tăng trách nhiệm, công việc cho cán bộ hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục thông quan.

Do đó, để giảm bớt gánh nặng hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ.
Thông tư nhằm đánh giá mức độ rủi ro của tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong việc tuân thủ các yêu cầu của Hệ thống VNTLAS để thực hiện các biện pháp xác minh phù hợp trước khi cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng Điều tra, xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) việc phân loại doanh nghiệp gặp khó khăn trong xác minh kết quả kê khai của doanh nghiệp vì thiếu cơ chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm với các ban, ngành liên quan trong tỉnh, thiếu kết nối thông tin giữa các cơ quan liên quan.

Trước những khó khăn trong thực thi Nghị định số 102/2020/NĐ-CP, ông Nguyễn Văn Tiến cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung vào năm 2023.

Hương Lan (t/h)