Ngành Công nghệ thông tin thiếu gần 200.000 lao động

Bước vào kỷ nguyên số, ngành công nghệ thông tin đang đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao hiểu biết chuyên môn và khả năng thích ứng với công nghệ mới. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang thiếu khoảng 200.000 lao động có trình độ và tay nghề.
cong-nghe-dnktx-1747869067.jpg
Việt Nam hiện có 74.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với hơn 1,2 triệu lao động.

Theo Báo cáo Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam, đến năm 2025, ngành công nghệ thông tin sẽ cần khoảng 700.000 nhân lực mới. Tuy nhiên, nguồn cung hiện tại từ các cơ sở đào tạo trong nước chỉ đáp ứng khoảng 500.000 người.

Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam hiện có 74.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin với hơn 1,2 triệu lao động. Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 3 triệu, trong bối cảnh nền kinh tế số Việt Nam có thể đạt giá trị 74 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn nhân lực vẫn là bài toán nan giải, dù ngành công nghệ thông tin được coi là một ngành được trả lương tương đối cao.

Việt Nam, những năm qua, luôn được xem là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài nhờ nguồn lao động dồi dào và chi phí nhân công thấp. Tuy nhiên, bước vào kỷ nguyên số, lợi thế này không còn đủ. Nhất là ngành công nghệ thông tin đang đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao hiểu biết chuyên môn và khả năng thích ứng với công nghệ mới.

Trong khi đó, mỗi năm, các trường đại học và cao đẳng dù đang đào tạo khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin, nhưng chỉ khoảng 30% có thể làm việc ngay. Phần lớn còn lại cần tiếp tục đào tạo để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Khoảng cách giữa chương trình đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp đang tạo ra một "lỗ hổng" lớn trong chất lượng nhân lực.

Theo số liệu của Bộ thông tin và Truyền thông (trước đây), doanh thu toàn ngành truyền thông thông tin tăng trưởng vượt trội, trong 11 tháng năm 2024, doanh thu đạt 3,98 triệu tỷ đồng tăng 19,8%, hoàn thành 95,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận ước tính tăng 17,5% và đóng góp vào GDP đạt 924.839 tỷ đồng 18%.

Sơn Trần