Quảng cáo #128

Nhân lực chất lượng cao vẫn là 'bài toán khó' cho doanh nghiệp Việt Nam

Chuyên gia kinh tế nhận định, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, họ có mong muốn tìm kiếm nhân lực là người bản xứ và có năng lực, trình độ cao về quản trị, quản lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Để có lượng nhân sự chất lượng cao đã và đang là bài toán khó với các doanh nghiệp và các công ty lớn tại nước ta từ nhiều năm nay.
nhan-luc-chat-luong-cao-1-1733621005.jpg
Nhân lực tay nghề cao giúp cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa quy trình làm việc.(Ảnh minh họa)

Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao

Tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động Quốc gia, TS. Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, cho biết hiện Việt Nam có nguồn cung lao động dồi dào và khả năng thích nghi cao, được đánh giá là tiếp thu nhanh những tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất và kỹ năng quản lý.

Cùng với đó, cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động tham gia trong độ tuổi vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, có thực tế là các doanh nghiệp vẫn rơi vào tình trạng thiếu lao động do dư thừa lao động có chất lượng thấp, lao động không có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ lớn.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp; thiếu đội ngũ có trình độ chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực, khả năng tự tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế.

“Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã phải thuê lao động nước ngoài. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất nghiệp ngày càng gia tăng. Các nguồn đầu tư FDI vào Việt Nam sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, nếu không có sự thay đổi về chất lượng đào tạo kịp thời, nguy cơ tụt hậu về nguồn nhân lực, mất đi lợi thế về chi phí lao động giá rẻ”, TS. Phạm Xuân Khánh nhìn nhận.

nhan-luc-chat-luong-cao-2-1733620992.jpg
Các chuyên gia và kỹ sư tay nghề cao có khả năng phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình, tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nền kinh tế.(Ảnh minh họa)

Nhân lực tay nghề cao giúp cải thiện hiệu quả sản xuất, giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa quy trình làm việc. Các chuyên gia và kỹ sư tay nghề cao có khả năng phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình, tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Đây là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế, tại nước ta, tỷ lệ lao được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2023 là 27%. Tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở. Điều này dẫn đến năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực; Trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao, khoảng 75%.

Những con số thống kê này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cho người lao động. Nguyên nhân chủ yếu do chính sách, pháp luật chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; chất lượng đào tạo không đồng đều giữa các cơ sở; nội dung chương trình đào tạo vẫn còn nhiều yếu tố không cập nhật; mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, chủ yếu mới ở việc tạo điều kiện cho học viên thực tập, tham quan, ít tham gia đổi mới nội dung, chương trình; các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển đào tạo nghề chưa đủ mạnh để thu hút nhiều người tham gia các ngành nghề kỹ thuật cao...

Vẫn rất khó trong việc tìm kiếm nhân lực có trình độ cao

Chất lượng nguồn nhân lực còn những hạn chế khiến năng suất lao động chưa thể bật tăng. Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Ban Kinh tế Trung ương, còn một dư địa rất lớn để dịch chuyển lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp hơn, sang khu vực năng suất lao động cao hơn để tăng năng suất lao động.

Ông dẫn chứng 66,5% lao động nằm trong các ngành có năng suất lao động thấp hơn bình quân cả nước. Đặc biệt, ngành nông, lâm, thủy sản có năng suất lao động chỉ bằng 39,73% năng suất lao động bình quân cả nước, nhưng có số lao động chiếm 27,54% tổng lao động có việc làm. Hay ngành bán buôn bán lẻ chiếm 15,6% nhưng năng suất lao động chỉ bằng 57% mức bình quân cả nước…

“Như vậy chúng ta vẫn còn nhiều dư địa để tăng năng suất lao động bằng việc dịch chuyển lao động từ khu vực dư thừa lao động, có năng suất thấp sang những ngành có năng suất cao hơn, hoặc đang thiếu lao động”, TS. Nguyễn Tú Anh cho hay.

nhan-luc-chat-luong-cao-3-1733621071.jpg
Khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, họ có mong muốn tìm kiếm nhân lực là người bản xứ và có năng lực, trình độ cao về quản trị, quản lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài Chính, khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, họ có mong muốn tìm kiếm nhân lực là người bản xứ và có năng lực, trình độ cao về quản trị, quản lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, mặc dù họ có chế độ đãi ngộ tốt, trả lương cao thì vẫn rất khó trong việc tìm kiếm nhân lực có trình độ cao. Để có lượng nhân sự chất lượng cao đã và đang là bài toán khó với các doanh nghiệp và các công ty lớn tại nước ta từ nhiều năm nay.

Ông Thịnh cho rằng, việc đào tạo cán bộ có chất lượng cao, trình độ cao phải được hoàn thiện từ môi trường dạy học, giáo dục, phải bằng việc kết hợp giữa đào tạo về mặt lý luận và mặt thực tiễn của công tác quản lý, đặc biệt phải tự học, tự nâng cao trình độ của người lao động.

“Giáo dục đào tạo cần bắt kịp với thời gian, theo kịp các chương trình hiện đại. Phần lớn sau khi tốt nghiệp đại học, ra trường và đi làm, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại nhân viên. Việc đào tạo ở trường rất quan trọng nhưng chỉ mang tính lý thuyết, do đó để bắt kịp với công việc, người lao động phải tự học, tự nâng cao tay nghề, trình độ để thích ứng với công việc cụ thể, bởi một trường đại học không thể đào tạo ra 1 sinh viên có hàng trăm chức năng, nhiệm vụ như thực tiễn”, PGS. Đinh Trọng Thịnh cho hay./.

Trọng Bình