Chuyện nhà báo đi viết báo

Các cụ nhà ta thường dặn con cháu: Làm việc gì cũng phải để cái nhân, cái đức cho đời sau. Bởi cái nhân, cái đức là cốt lõi đạo đức và nhân cách của con người, của loài người. Bất kể nghề nào cũng cao quý và nghề nào cũng có quy ước về đạo đức của nghề ấy. 
images847284-12-1687072169.jpg
Ảnh minh họa

Như làm nghề y phải coi bệnh nhân như người thân, làm thầy giáo, cô giáo phải coi học sinh như con em mình vậy. Nếu không làm được như thế khó có thể được xem là trọn vẹn về đạo đức nghề nghiệp. Chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh, giảng dạy hay bất kể ngành nghề nào phụ thuộc rất nhiều ở cái tâm, cái đức ấy.

Đất nước ta từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nền báo chí Việt Nam thực sự thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn mà báo chí nước nhà đã đạt được cũng đồng thời xuất hiện các “tì vết” mà xưa nay ít có. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các cấp đã cảnh tỉnh. Do vậy, bên cạnh Luật báo chí được Quốc hội thông qua, Hội nhà báo đã cho ra đời quy ước đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Làm nghề, chúng ta cứ lấy luật và quy ước ra làm cẩm nang dù có vận dụng cũng không để chệch hướng, đừng vượt ngưỡng. Đó là thuận lợi rất lớn đối với lớp hậu sinh chúng ta. Ở đây, tôi có ý định tranh luận nhiều về quy ước đạo đức nghề nghiệp, mà chỉ thông qua một số việc cụ thể để rút ra bài học, đặc biệt là cho các nhà báo trẻ vừa bước vào hoặc chuẩn bị bước vào cuộc đời làm nhà báo đầy mơ mộng và vất vả.

Vài năm gần đây, số người thi vào học nghề làm báo tăng lên. Điều này chứng tỏ báo chí có một vị thế ngày càng quan trọng trong xã hội. Tuy vậy, cũng có thể khẳng định động cơ để đi làm báo không phải ai cũng giống ai. Có người xác định được đó là nghề thiêng liêng cao cả, có người “mê” quyền lực thứ tư mà nhiều người luôn rùm beng, có người thích du lịch không mất tiền, có người đam mê khám phá… không sao cả, dù nhập môn với động cơ nào cũng hãy cố gắng phấn đấu trở thành nhà báo giỏi để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân và chuyển tải thông tin đến với cộng đồng nhanh, chính xác nhất, hiệu quả nhất. Đó mới là điều cốt yếu.

Có một số ít nhà báo rất kiêu hễ thấy “cơ sở” sợ mình, đến địa phương nào, cơ quan nào “bị” tiếp không được như ý là vùng vằng, giận dỗi, thậm chí bóng gió đe dọa. Có phải làm thế nhà báo oai hơn chăng? Chúng ta xuống cơ sở là thực hiện nhiệm vụ của toà báo, nhân danh tờ báo để phản ánh mặt tốt, mặt xấu của hiện thực theo tôn chỉ mục đích của tờ báo.

Tôn chỉ, mục đích ấy đã quy định tính chất, ảnh hưởng xã hội của nó như anh kỹ sư xuống xưởng máy, anh bác sỹ đến với bệnh viện. Mục tiêu xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng văn minh luôn hướng ngòi của chúng ta vào đúng hướng, đúng điểm. Xuống cơ sở dù là báo có uy tín đến mấy cũng không phải là một thứ ban ơn cho địa phương, cơ sở. Do đó, sự tiếp đón chỉ là thứ yếu.

Có như vậy chúng ta mới giữ được cốt cách nhà báo của mình. Nếu xuống cơ sở chỉ nhăm nhăm xem mình có được ở khách sạn sang trọng không? Có được đãi tiệc lớn, tiệc nhỏ không, được xe đón, xe đưa không? Chắc chắn nếu không “như ý” sẽ tác động không nhỏ tới chất lượng công việc. “Bệnh” này xem ra cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều lắm tới đạo đức nhà báo, song rất dễ gây cho cơ sở khó chịu dẫn đến thiếu thiện cảm với các nhà báo. Chúng tôi tạm liệt dạng này là loại thích gây phiền hà, cho dù cố ý hay vô tình.

Tôi đã chứng kiến hai cách làm của hai nhà báo trẻ. Họ đến địa phương nọ và cần đi một huyện cách tỉnh lị 80km, một người nhã nhặn hỏi đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: Anh ơi, có xe nào xuống huyện X công tác anh cho em quá giang với. Lời đề nghị rất thoải mái, khiêm tốn khiến anh Chánh văn phòng có thiện cảm. Thế là đáng lẽ mấy hôm nữa ông phó chủ tịch mới đi huyện X kiểm tra, nhưng có nhà báo nên đi luôn.

Cũng vẫn tỉnh ấy, ông Chánh Văn phòng ấy, một nhà báo trẻ khác sau khi làm việc đã thẳng thừng đặt vấn đề: Anh bố trí cho tôi một chuyến đi huyện Y! Ông Chánh văn phòng tái mặt, xưa nay chỉ có chủ tịch tỉnh mới nói với anh giọng ấy. Anh ậm ừ: Vâng, để tôi xem còn xe nào không đã, nếu không khắc phục được, anh thông cảm!

Hôm sau, y như rằng không có xe. Thế là lỡ việc. Nhà báo về rồi ông Chánh Văn phòng mới nói với đồng sự: Cứ làm như bố người ta không bằng! Thực ra chuyện trên mới chỉ nói đến khéo hay vụng trong đối nhân xử thế, song nó chứng tỏ sự hiểu biết, thái độ tôn trọng đối với cán bộ cấp cơ sở của nhà báo.

Ông Bí thư huyện ủy ở một tỉnh trung du nọ nửa đùa nửa thật với tôi: Huyện tôi tạm chia nhà báo ra làm ba loại: Thứ nhất, xuống đặt vấn đề viết bài tuyên truyền và xin huyện tài trợ “một ít” kinh phí. Thứ hai, viết bài, chụp ảnh đưa lên báo rồi cầm tờ báo xuống “khoe” và cũng đặt vấn đề “bồi dưỡng”. Loại thứ ba, chủ động đi viết theo kế hoạch của toà soạn. Ngoài ba loại trên, còn có một loại cá biệt xuống dọa đưa vụ này, vụ kia lên báo với mục đích vẫn là xin “hợp đồng truyền thông”. Có nhà báo quen bắt nạt các doanh nghiệp thường xuống rung cây, dọa khỉ để làm tiền.

Tôi lại hỏi một ông Chủ tịch huyện: Thế anh nghĩ về cánh nhà báo thế nào? Ông trả lời: Trong con mắt của mọi người, nhà báo luôn được đề cao bởi đó là những người đi nhiều, biết rộng. Cái quan trọng là nhiều vấn đề người ta không nhìn ra hoặc nhìn thấy, cảm thấy nhưng không luận giải được gãy góc được như các ông.

Thế anh phân loại nhà báo như thế để làm gì? Anh cười: Để nhắc Văn phòng tiếp từng loại cho phải. Cứ loại thứ ba tiếp cho chu đáo, còn loại thứ nhất, thứ hai quá lắm cũng như thợ xẻ, thợ xây đi làm thuê kiếm tiền, tiếp sao cho lần sau họ khỏi xuống càng tốt. Ngẫm lại chuyện ông chủ tịch huyện, vấn đề không dừng lại như chuyện xin một chuyến xe nữa rồi mà nó là nhân phẩm, là đạo đức. Chúng tôi tạm liệt mấy loại “phiền hà quá mức” này vào dạng "báo động". Nếu không tu dưỡng, rèn luyện “hậu vận” sẽ không mấy sáng sủa.

Ngày xưa đi học làm nhà báo phải là người trong biên chế. “Mác” cán bộ đi học oai lắm nên đi thực tập hầu như không có chuyện liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Còn bây giờ, sinh viên đông lên, xã hội phát triển, nhịp sống sôi động và với nghề báo phần lớn thời gian phóng viên tự quản lấy mình nên ý thức rèn luyện đạo đức nghề nghiệp phải cao hơn, tự giác hơn.

Cơ sở là môi trường hoạt động của nhà báo. Nếu nhà báo tách khỏi sơ sở khác nào cá bị vớt khỏi mặt nước. Chúng ta đến cơ sở trước hết là nhân danh cơ quan, uy tín của từng cá nhân nhà báo có ảnh hưởng đến tiếng nói của một cơ quan. Cuộc đời làm báo chuyên nghiệp là nối tiếp dằng dặc những chuyến đi cơ sở do vậy phấn đấu để cơ sở cảm phục từ phong cách đến những bài viết tài hoa là mục tiêu của mỗi chúng ta.

Mỗi chuyến đi cơ sở là một bài học nếu không biết rút kinh nghiệm thường xuyên, chỉ tin vào tài năng, tin vào cái “mác” nhà báo rất dễ dẫn đến sai lầm trong nghề nghiệp. Thời gian học ở trường, những chuyến đi thực tập bên cạnh trau dồi chuyên môn, việc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp sẽ tạo cho chúng ta có bản lĩnh vững vàng trước những thử thách của nghề nghiệp. Viết những điều này hẳn có người sẽ nói: Việc cỏn con sao lại quy vào đạo đức? Nhưng có lẽ để theo nghề đến cùng kiệt chúng ta hãy rèn luyện bắt đầu từ những chuyện nho nhỏ ấy./.

Thái Hà