Người nuôi lợn tại Bạc Liêu còn dè dặt khi tái đàn

Không chỉ chi phí đầu vào tăng cao, người nuôi lợn tại tỉnh Bạc Liêu ngần ngại trong việc tái đàn dù giá lợn hơi đang tăng trở lại mà còn do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi.
vna-potal-bac-lieu-nguoi-nuoi-lon-de-dat-khi-tai-dan-stand-1636450341.jpg
Người nuôi lợn tại Bạc Liêu còn dè dặt khi tái đàn. Ảnh:TTXVN

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y Bạc Liêu cho biết, sau một thời gian dài rớt giá thì những ngày gần đây, giá lợn hơi đã tăng trở lại. Tuy vậy, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn đang rất dè dặt tái đàn, vì các khoản chi phí “đầu vào” vẫn còn rất cao; cùng với lo ngại dịch tả lợn châu Phi đang xuất hiện tại một số nơi trong tỉnh.

Bạc Liêu hiện có tổng đàn lợn trên 200.000 con. Với số lượng như vậy, cơ bản đảm bảo cung cấp đủ nguồn thịt cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Ở thời điểm hiện nay, giá lợn hơi dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg, tăng từ 10.000-15.000 đồng/kg so với những tháng trước. Mặc dù mức giá có tăng lên, nhưng không bù được chi phí đầu tư cao nên lợi nhuận mà người nuôi lợn thu được vẫn rất thấp. Ngay cả những hộ nuôi lợn trang trại, gia trại có số lượng từ 50 con trở lên theo mô hình khép kín, cũng không kiếm được lợi nhuận là bao.

Theo ước tính, giá thành chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt là khoảng 45.000 đồng/kg, còn nếu nuôi lợn mà không chủ động được con giống, phải mua thì giá thành lên đến 50.000 đồng/kg. Chi phí đầu tư tăng cao chính là rào cản lớn nhất trong việc duy trì và phát triển nghề nuôi lợn tại Bạc Liêu trong nhiều năm qua. Theo các hộ nuôi lợn, chỉ trong mấy tháng đầu năm 2021, có những mặt hàng phục vụ nuôi lợn tăng 200-300%. Đặc biệt, từ khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì các loại thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đều đồng loạt tăng giá.

Tại Bạc Liêu, ngay đầu tháng 8/2021, giá thức ăn chăn nuôi gồm cám lợn, các loại thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm của các công ty, doanh nghiệp tăng từ 200-400 đồng/kg tùy loại; riêng các loại thức ăn đậm đặc tăng 4.000-5.000 đồng/kg. Hiện giá cám lợn từ 282.000-320.000 đồng/bao (trọng lượng 25 kg); giá thức ăn gia súc, gia cầm hỗn hợp từ 300.000-310.000 đồng/bao (trọng lượng 25 kg). Theo nhiều hộ chăn nuôi, tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đã tăng 8- 9 lần liên tiếp. Bình quân mỗi đợt giá tăng từ 7.000 - 8.000 đồng/bao 25 kg.

Giá thức ăn tăng như trên đã khiến cho nhiều hộ nuôi lợn choáng váng. Tại xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi, địa phương phát triển khá mạnh nghề chăn nuôi lợn. Ông Nguyễn Văn Toàn, hộ nuôi lợn hơn 15 năm nay cho biết, các hộ ở đây thường nuôi lợn có qui mô từ vài chục đến vài trăm con. Thế nhưng ở thời điểm này, rất nhiều hộ “treo chuồng” hoặc cũng chỉ nuôi với số lượng cầm chừng, để trống chuồng trại hoặc chuyển sang nuôi một số vật nuôi khác lợi nhuận cao hơn, có thu nhập đảm bảo kinh tế cho hộ gia đình.

Theo ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lợi, các hộ nuôi lợn đang cố gắng duy trì để không đứt gãy chuỗi con giống chứ chưa dám mạnh dạn tái đàn vì sợ thua lỗ.

Bà Trần Kim Chi, ấp An Khoa, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình tuần trước có 15 con lợn bị tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi. Bà Chi cho biết, gia đình có kinh nghiệm gần 20 năm nuôi heo, việc chăm sóc luôn tuân thủ các quy định, hướng dẫn, khuyến cáo của cán bộ thú y, nhưng vẫn không tránh được dịch bệnh này.

Chi cục Chăn nuôi Thú y Bạc Liêu nhận định, trong thời gian tới, nhiều khả năng giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn tăng. Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiêp huyện Hòa Bình, tính từ ngày 1/10 đến nay, địa phương này đã tiêu hủy 740 con lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi với trọng lượng 62.000 kg. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lây lan, Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Bình đang hoàn thành các thủ tục để công bố dịch tả lợn châu Phi trong toàn huyện. Huyện này cũng yêu cầu các cán bộ thú y tăng cường phun thuốc sát trùng chuồng trại cho các hộ dân nuôi lợn chưa bị dịch bệnh xảy ra.

Cùng với đó, huyện này khuyến cáo người chăn nuôi khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện nhiễm bệnh, cần báo ngay cho chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, không vứt xác lợn hoặc xác động vật xuống sông hoặc ra ngoài môi trường, nhằm phòng tránh dịch bệnh phát tán, lây lan ra diện rộng.

Chi cục Chăn nuôi Thú y Bạc Liêu cho biết, để phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả thì người nuôi là nhân tố chính bảo vệ đàn lợn của mình trước mầm móng của dịch bệnh. Người nuôi cần áp dụng quy trình khép kín từ khâu lựa chọn giống bố mẹ có nguồn gốc rõ ràng đến quy trình chăm sóc lợn con cũng như heo thịt. Đặc biệt, người nuôi phải hết sức chú ý làm vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên. Có như vậy, lợn mới đảm bảo phát triển tốt, có sức đề kháng chống lại một số loại dịch bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, với tổng đàn lợn khoảng 200.000 con thì chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung, nuôi lợn nói riêng là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp Bạc Liêu. Để lĩnh vực này duy trì và phát triển ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi Thú y phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ nuôi mạnh dạn tái đàn, cùng với đó là hướng dẫn các quy trình kỹ thuật nuôi, các biện pháp vệ sinh phòng dịch và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngành nông nghiệp cũng đang đề xuất tỉnh có thể hỗ trợ một phần chi phí mua con giống nhằm giúp người nuôi lợn tái đàn, cung cấp thịt cho nhu cầu tiêu dùng, trước mắt là đảm bảo nguồn cung vào dịp Tết Nguyên đán 2022 tới.