Là một trong những người đã góp phần rất lớn vào việc khôi phục, truyền lửa và phát huy giá trị nghề dệt cói truyền thống, Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt ở xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã dành cả cuộc đời mình để gắn bó với nghề cói. Đến nay, dù đã ở cái tuổi thất thập, nhưng bà Việt vẫn luôn trăn trở với việc phát triển nghề truyền thống và tạo việc làm cho nhiều lao động nữ nông thôn.
Sinh ra và lớn lên trong cái nôi của làng nghề cói truyền thống, ngay từ những năm lên 5 lên 10, Trần Thị Việt đã theo bố mẹ ra đồng cói và làm quen với những công đoạn như chọn cói, chẻ cói, phơi cói, nhuộm cói… cho đến khâu cuối cùng là đan, dệt cói. Chính những ngày tháng nhìn bố mẹ ngày đêm gắn bó với cây cói đã dấy lên trong cô bé Trần Thị Việt niềm đam mê được đúc ra những sản phẩm đồng truyền thống của gia đình. Từ đó, vừa đi học, vừa học nghề từ bố, cô bé Trần Thị Việt dần dần tham gia vào các công đoạn dệt cói để làm ra các sản phẩm thủ công truyền thống từ sợi cói cùng gia đình.
Khi trưởng thành, lập gia đình, bà Việt vẫn luôn đau đáu làm sao để có thể phát triển nghề truyền thống cha ông. Vốn đã là thợ dệt chiếu có tiếng trong làng, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đời sống người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn, bà Việt đã đứng ra thu mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cói, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, đã có những giai đoạn, nghề dệt cói truyền thống hàng trăm năm ở huyện Nga Sơn dần mai một, sa sút vì hàng hóa không cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp cùng loại. Nhiều hộ gia đình đã phải bỏ nghề trồng cói, dệt cói để chuyển sang sinh sống bằng nghề khác. Gia đình bà Việt cũng có những giai đoạn tưởng như không thể trụ nổi với nghề, phải chuyển sang công việc buôn bán ngoài chợ, vất vả ngược xuôi mưu sinh. Khó khăn, vất vả là thế nhưng sâu thẳm trong lòng, bà vẫn luôn ấp ủ niềm hy vọng được gắn bó với nghề cói.
Bằng tình yêu với cây cói và nghề cói quê hương, bà Việt đã tìm mọi cách để duy trì sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi mẫu mã, kiểu dáng và tìm các thị trường tiêu thụ mới để dần dần khôi phục lại nghề truyền thống. Từ những chiếc túi, giỏ, mũ được làm từ cói, bà Việt đã dày công tìm tỏi, học hỏi, cải tiến mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Những sản phẩm cói một thời tưởng chừng bị lãng quên, dưới đôi tay và óc sáng tạo của bà Trần Thị Việt và những người thợ lành nghề đất Nga Sơn đã trở thành những mặt hàng có sức hút đặc biệt với khách hàng, nhất là khách hàng quốc tế.
Năm 2001, bà Việt đã mạnh dạn đầu tư vốn vào Cụm làng nghề truyền thống liên xã Nga Mỹ, Nga Hưng, Nga Thanh, huyện Nga Sơn và thành lập công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu chiếu cói và đồ mỹ nghệ bằng cói. Năm 2003, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất khẩu Việt Trang chính thức đi vào hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và khoảng 400 lao động thời vụ, lao động tại nhà vào thời điểm bấy giờ.
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất khẩu Việt Trang cho biết: “Từ cách làm truyền thống với cây cói đơn thuần, chúng tôi đã nghiên cứu kết hợp cói với các nguyên liệu khác như cọng bèo khô, rơm khô, bẹ ngô khô... để tạo màu tự nhiên cho các sản phẩm. Nhờ vậy, các sản phẩm được trang trí hoa văn bắt mắt, tăng tính thẩm mỹ và sức sống mới cho đồ thủ công truyền thống. Với quan điểm mình không bán cái mình có mà bán cái khách cần, chúng tôi luôn cố gắng thay đổi mẫu mã, hình thức phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng. Đến nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu ổn định sang 20 nước trên thế giới".
Đặc biệt, bà Việt cùng các con cũng rất năng động, tích cực tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế cũng như tham gia các kênh thương mại điện tử, chính những điều đó đã giúp công ty có điều kiện kết nối, giới thiệu sản phẩm và mở rộng ra thị trường quốc tế. Hiện nay, 90% các sản phẩm làm từ cói của công ty đã xuất ra thị trường của 20 quốc gia, bước đầu chinh phục được những thị trường “khó tính” như: Mỹ, Australia, Canada, Anh, Pháp... với khoảng 200-300 sản phẩm truyền thống như chiếu cói, túi xách, thảm cói, giỏ, hộp đựng đồ, chậu cói... Doanh thu đạt được khoảng 2 tỷ đồng/tháng, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động ở làng nghề nhận việc về nhà làm với mức thu nhập bình quân khoảng 3-6 triệu đồng/tháng.
Bà Mai Thị Kiệm, thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn cho biết: "Tôi ở cái tuổi trẻ đã qua, già chưa đến, từ ngày được vào làm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất khẩu Việt Trang tôi thấy công việc phù hợp, vừa với sức lực, thời gian đảm bảo lại kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.
Công việc của bà Kiệm là làm các sản phẩm mẫu, dưới sự cầm tay chỉ việc của bà Trần Thị Việt. Khi nhận mẫu vẽ của công ty đưa xuống bà sẽ căn cứ theo mẫu vẽ để làm ra 1 sản phẩm mẫu bằng các nguyên liệu cói, bèo tây... để gửi cho các bộ phận, các hộ gia đình đan theo đơn đặt hàng của công ty. Bàn Kiệm nhận thấy công việc rất vừa sức, thu nhập lại ổn định lại được ở gần nhà, không phải đi xa nên chỉ mong công ty làm ăn phát đạt để tiếp tục cải thiện đời sống cho công nhân.
Bà Việt cũng cho biết, mặc dù, 2 năm nay hoạt động sản xuất mở rộng thị trường bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, nhưng công ty vẫn hoạt động và tăng trưởng, thường xuyên cung cấp sản phẩm cho các đơn vị, đối tác trong nước và xuất khẩu. Công ty chuyển hoạt động bán hàng từ ofline sang online bằng cách tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước... Cũng theo các đơn đặt hàng này, ngoài chiếu cói Nga Sơn, một loạt sản phẩm mẫu mã mới gắn với cây cói được ra đời bằng nguyên liệu độc lập từ cói hay kết hợp với các nguyên liệu khác góp phần tăng năng suất và lợi nhuận của công ty.
Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - UBND huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa khẳng định, sở dĩ sản phẩm cói mỹ nghệ của Nga Sơn được thị trường, nhất là thị trường nước ngoài ưa chuộng là vì sản phẩm được làm bằng nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện với môi trường, bền đẹp, đa dạng về kiểu dáng và màu sắc mà giá thành lại không quá cao.
Không chỉ có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất khẩu Việt Trang, hiện nay trên địa bàn huyện Nga Sơn, nhiều cá nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm từ cói tương đối hiệu quả, tiêu biểu như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thi Nghê (thị trấn Nga Sơn), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất thương mại và Xuất khẩu Cói Xanh (xã Nga Liên)...
Riêng cá nhân bà Trần Thị Việt đã vinh dự được nhà nước công nhận Nghệ nhân ưu tú năm 2020, bà Việt và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất khẩu Việt Trang luôn đi đầu trong thiết kế các mẫu mã mới tham gia thị trường xuất khẩu, mang nhiều ngoại tệ về cho địa phương, truyền nghề và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trên địa bàn.
Năm 2021, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất khẩu Việt Trang có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh và có nhiều tiềm năng, thế mạnh để nâng cấp thành sản phẩm 5 sao, đó là sản phẩm đôn Việt Trang và sản phẩm giỏ trái đất đều làm từ cây cói Nga Sơn. Hiện, công ty đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy trình sản xuất bảo đảm các tiêu chuẩn, chất lượng được quy định của chương trình OCOP cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước./.
Người giữ lửa cho nghề cói Nga Sơn
14/10/2021 15:27:10
Nghệ nhân Ưu tú Trần Thị Việt ở xã Nga Thanh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã dành cả cuộc đời mình để gắn bó với nghề cói. Đến nay, dù đã ở cái tuổi thất thập, nhưng bà Việt vẫn luôn trăn trở với việc phát triển nghề truyền thống và tạo việc làm cho nhiều lao động nữ nông thôn.