Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 3/2023, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã tăng thêm 100.800 tỷ đồng, lên hơn 6,28 triệu tỷ đồng, vượt xa số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng.
Cuối năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao lên tới 9-10%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó có ngân hàng nâng mức lãi suất cao nhất lên tới gần 12%/năm. Tuy nhiên, sang đến năm nay, giới ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất 0,5 - 1 điểm % ở các kỳ hạn. 3 tháng đầu năm, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm, có ngân hàng giảm tới 2 điểm %.
Tiền gửi đến từ nhóm khách hàng tổ chức kinh tế tăng trở lại sau tháng 2 trước đó sụt giảm. Theo đó, số dư tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã tăng 48.000 tỷ đồng, tháng 2 liền trước sụt giảm 338.000 tỷ đồng. Cũng cần lưu ý, tiền gửi của nhóm doanh nghiệp giảm trong 2 tháng đầu năm trùng thời điểm Tết Nguyên đán - dịp các doanh nghiệp chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Như vậy, tính từ đầu năm, từ gửi của dân cư vào ngân hàng tăng 7,08% trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt 4,87%. 2 năm trước, tiền gửi của dân cư thấp hơn tiền gửi của các tổ chức kinh tế nhưng hiện đã ngược lại.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài tại nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh từ 1 - 2,5 điểm % so với thời điểm cuối tháng 12/2022, về vùng dưới 8%/năm. Các ngân hàng tư nhân đang trả lãi suất dao động 7,5 - 8,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Còn với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 6 - 8%/năm. Ở nhóm big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước), lãi suất vẫn ở mức 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; còn kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm.