Người chăn nuôi dè dặt tái đàn vụ cuối năm

Cuối tháng 8 âm lịch, là thời điểm các hộ chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bắt đầu rục rịch tái đàn mới cho vụ chăn nuôi bán vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên nhiều hộ chăn nuôi lo lắng về đầu ra, cộng với chi phí chăn nuôi hiện nay tăng quá cao khiến họ rất dè chừng trong việc tái đàn.
lam-giau-tu-nuoi-de-1-1633084008.jpg
Người chăn nuôi dè chừng trong việc tái đàn. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hữu Duy, ngụ xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là chủ một trang trại nuôi lợn cho biết, trang trại của gia đình có hơn 300 con lợn; trong đó, 60 con lợn thịt đến kỳ xuất chuồng, nhưng giá xuống thấp, sức tiêu thụ quá chậm nên mãi anh vẫn chưa bán hết số lợn đã đến kỳ xuất chuồng này.

Theo Ông Duy, thời điểm cách đây 4-5 tháng khi ông tái đàn, giá lợn giống đang ở mức cao khoảng 2,5 triệu/con (loại 10-12 kg/con). Song hiện giá lợn hơi chỉ còn ở mức 50.000 đồng/kg, theo tính toán của ông Duy, với giá này, một con lợn hơi tầm 1 tạ xuất bán khoảng 5 triệu đồng. Trong khi đó, tiền chi phí mua con giống, tiền cám, tiền điện, thuốc men, sát khuẩn gần 5-6 triệu đồng, người chăn nuôi không có lãi, thậm chí lỗ khoảng 500.000 -1 triệu đồng/con.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc lưu thông, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Các nhà hàng, quán ăn không hoạt động khiến đầu ra gặp nhiều khó khăn.

Gia đình anh Lý Trung Vân, chủ một trang trại nuôi gà tại xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cũng cho biết, trang trại của gia đình anh có từ 4.000 đến 5.000 con gà ri giống Lạc Sơn, Hòa Bình. Thời điểm chưa có dịch gia đình anh chỉ cần khoảng 1 tháng là có thể tiêu thụ hết 1 lứa gà nuôi trong chuồng. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sức tiêu thụ rất chậm, gia đình anh phải tốn thời gian từ 1,5 đến 2 tháng vẫn chưa tiêu thụ hết số gà nuôi. Gà đến kỳ xuất chuồng ăn rất tốn, trong khi đó giá cám lại tăng cao khiến người nuôi phải lấy công làm lời, may mắn lắm cũng chỉ lời được 5 đến 10 nghìn đồng/kg gà.

Để chuẩn bị cho vụ cuối năm, gia đình ông Nguyễn Hữu Duy dự kiến sẽ tái đàn khoảng 200 con lợn. Tuy nhiên, hiện tại chỉ mới dám mua về 100 con giống để nuôi, số còn lại ông Duy đang theo dõi diễn biến dịch bệnh, giá cả của lợn thương phẩm mới dám quyết định mua giống về nuôi tiếp hay không. "Giá lợn hơi đang giảm mạnh, hiện người chăn nuôi chúng tôi đang thua lỗ nhưng vẫn phải cầm cự để duy trì. Ngoài dịch bệnh COVID-19, giá thức ăn gia súc cũng đang tăng mạnh, riêng năm nay đã tăng 5 - 6 lần rồi nên nếu không tính toán kỹ lưỡng, chắc chắn người nuôi sẽ thua lỗ nặng", ông Duy lo lắng.

Còn anh Lý Trung Vân thì cũng mới đặt mua 3.000 con giống gà ri từ Hòa Bình vào để nuôi. Anh Vân cho biết, nếu như mọi năm để chuẩn bị cho vụ chăn nuôi cuối năm, gia đình anh nuôi khoảng hơn 4.000 con gà. Thế nhưng, sau nhiều lần tính toán, chi phí chăn nuôi quá cao, giá gà thì không tăng, sức tiêu thụ lại quá chậm nên anh chỉ dám đặt mua 3.000 con về nuôi để bán vào dịp cuối năm.

“Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên người chăn nuôi chúng tôi rất lo lắng về đầu ra nên không dám mạnh dạn tái đàn như mọi năm”, anh Vân chia sẻ thêm.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua, do ảnh hưởng COVID-19, giãn cách xã hội kéo dài khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, giá gà tuy không giảm nhưng giá lợn hơi lại giảm sâu so với những tháng trước, vấn đề lưu thông sản phẩm, thức ăn gia súc, gia cầm tăng mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ, nhiều hộ dừng tái đàn, tăng đàn. Trước đây, giá lợn hơi ở mức 75.000 - 85.000 đồng/kg, nay giảm xuống còn 50.000 đồng/kg. Đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong những tháng cuối năm 2021.

Bên cạnh đó, ngành cũng khuyến cáo người chăn nuôi duy trì, phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ như: trâu, bò thịt, dê thịt là những đối tượng vật nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, có khả năng tận dụng tốt các nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương; đồng thời tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất hiệu quả có giá thành hạ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi.

Hoàng Nhị