Bất ngờ trúng đậm cá ngứa đặc sản
Trong những chuyến ra khơi cuối năm 2023, đầu năm mới 2024, ngư dân tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã trúng đậm cá ngứa. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, được tiểu thương thu mua với giá 600.000-700.000 đồng/kg.
Theo một số ngư dân tại xã Đức Trạch, trong những ngày qua, mỗi chuyến ra khơi, ngoài các loại hải sản biển khác, người dân vùng bãi ngang của xã này còn đánh bắt được rất nhiều cá ngứa.
Mỗi thuyền nan ra khơi đánh bắt được 9-10kg cá ngứa, riêng loài cá này đã mang về thu nhập gần cả chục triệu đồng sau mỗi chuyến biển.
Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, được tiểu thương thu mua với giá 600.000 đồng - 700.000 đồng/kg. Trong những ngày qua, ngư dân địa phương này đánh bắt được nhiều cá ngứa, thu nhập cả chục triệu đồng sau mỗi chuyến biển.
Ngày đầu năm mới, ngư dân Phạm Hải, ở xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới cùng các bạn thuyền chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cho chuyến biển. Ngư dân Phạm Hải mong muốn việc đánh bắt hải sản đầu năm mới được bội thu.
"Với ngư dân đánh bắt gần bờ, mỗi chuyến được 5-7kg cá ngứa là vui rồi, bởi giá cá ngứa cao, thuyền về bờ là thương lái thu mua hết sạch. Nhờ cá ngứa mà những ngày qua, ngư dân chúng tôi có nguồn thu nhập khá", anh Phạm Hải chia sẻ.
Theo ông Trương Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch, địa phương có 120 thuyền nan của ngư dân ra khơi đánh bắt cá ngứa. Thời gian khai thác từ chiều tối ngày hôm trước đến sáng sớm hôm sau.
"Thời tiết tuy khá rét nhưng ngư dân vẫn miệt mài ra khơi đánh bắt cá ngứa. Trung bình những ngày qua, sản lượng đánh bắt cá ngứa trên địa bàn đạt gần 2 tấn. Đây là loài cá có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao cho ngư dân địa phương", ông Trương Quang An phấn khởi nói.
Cá ngứa thuộc họ cá vây tua (Polynemidae), thường sinh sống ở tầng đáy khu vực ven biển, được biết đến như là loài cá bản địa và có giá trị kinh tế cao của vùng biển Bắc Trung bộ.
Nỗ lực thực hiện tốt các quy định khi khai thác trên biển
Tỉnh Quảng Bình có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển với ngư trường rộng lớn, đa dạng các loài hải sản có giá trị cao. Ngay trong những ngày đầu năm mới, ngành Nông nghiệp, Bộ đội Biên phòng và chính quyền, đơn vị liên quan đã tạo điều kiện giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Các lực lượng chức năng nhắc nhở bà con ngư dân thực hiện tốt các quy định khi khai thác trên biển.
Ngư dân Đậu Ngọc Văn, ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cho rằng, để có nguồn ra ổn định cho hải sản, ngư dân cần chung tay tháo gỡ thẻ vàng EC, chống khai thác IUU, lúc đó giá thành hải sản sẽ ổn định.
“Các lực lượng động viên ngư dân ra khơi đánh bắt an toàn, máy móc hoạt động ngon lành, dễ dàng. Khi ra biển phải mở máy giám sát hành trình, không xâm phạm vùng biển nước bạn. Nếu có chuyện gì cần thông báo với anh em trong đội tàu của mình biết để tuân thủ. Mong sao trong năm mới này, ngư dân bám biển làm ăn thắng lợi”, ngư dân Đậu Ngọc Văn bày tỏ.
Tỉnh Quảng Bình hiện có hơn 6.500 tàu cá, trong đó 1.135 tàu từ 15 m trở lên hoạt động đánh bắt xa bờ, tất cả tàu này đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ngư dân đã mạnh dạn đầu tư hiện đại hóa tàu cá, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng khai thác. Năm 2023, sản lượng thủy sản tỉnh Quảng Bình gần 97.700 tấn (tăng bình quân 3,1%/năm).
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình quyết định trích 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu để hỗ trợ các chủ tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa. Số tiền này sẽ hỗ trợ các chủ tàu xa bờ có chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển.
Ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương xác định công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm không chỉ trong việc gỡ thẻ vàng của EC mà còn góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững, hội nhập. Theo ông Lê Văn Lợi, để làm được điều này, ngư dân đóng vai trò chủ thể quyết định sự thành công trong chống khai thác IUU.
“Quảng Bình là 1 trong 3 tỉnh có số lượng lớn tàu tham gia khai thác trên vùng biển xa. Mỗi năm, chúng tôi hỗ trợ cho bà con trên 300 tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn để hỗ trợ bà con ngư dân, nhất là trong thời điểm khó khăn về xuất khẩu, giá cả bất ổn, giá vật tư leo thang...”, ông Lợi cho biết thêm.
Niềm vui của ngư dân Quảng Bình trong những chuyến đi biển đầu năm nhờ trúng đậm đàn cá ngứa. Loài cá đặc sản này thường sống theo dạng bầy đàn nhỏ, khi cá trưởng thành thường di chuyển về sông để sinh sống. Khi cá trưởng thành có thể đạt chiều dài 55-70cm, chiều dài trung bình 50cm, trọng lượng tối đa khoảng 7kg. Thu nhập cao trong mỗi chuyến vươn khơi giúp cho ngư dân yên tâm bám biển./.