Nghị quyết số 02 tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Trong giai đoạn khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 đang được cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn, đánh dấu việc cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục.
nq02-1709200570.jpg
Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”. (Ảnh Hoài Anh)

Từ năm 2014, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP).

Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết số 01, nhằm khẳng định đây là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế xã hội. Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết số 01 nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương mờ nhạt hơn.

Trong khi đó, năm 2023, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và dự báo năm 2024 khó khăn vẫn nhiều hơn thuận lợi. Do đó, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết 02 ngày 5/1/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.

Đánh giá về Nghị quyết số 02, tại hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tại hội nghị, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 đã kế thừa và phát triển cách tiếp cận đã thực hiện trước đây tại các Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 02, đó là dựa vào đánh giá quốc tế để tạo động lực cải cách trong nước. Xác định mục tiêu theo chuẩn mực quốc tế và trên cơ sở thực trạng, tình hình và bối cảnh phát triển của doanh nghiệp.

Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp gắn với giải quyết các vấn đề cụ thể của doanh nghiệp; chú trọng kết nối và huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạch định, thực thi chính sách và đóng góp ý tưởng, sáng kiến cải cách. Đó là số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ít nhất 10% so với năm 2023. Hạ tầng công nghệ thông tin tăng ít nhất 3 bậc, xuất khẩu dịch vụ ICT tăng ít nhất 5 bậc. Thủ tục thông quan tăng ít nhất 0,2 điểm. Mức độ ưu tiên cho du lịch và lữ hành tăng ít nhất 5 bậc, hạ tầng dịch vụ du lịch tăng ít nhất 3 bậc…

Từ đó, CIEM kiến nghị đưa ra khỏi danh mục đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Trường hợp cần thiết đề xuất bổ sung thì phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện, thực chất. Bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, và không dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng.

Bên cạnh đó, đối với điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn thì kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hoá, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ và không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp...

giay-dep-1709200622.jpg
Nghị quyết số 02 tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. (Ảnh minh họa)

TS. Nguyễn Minh Thảo cũng nhấn mạnh đến thực thi cải cách môi trường cần tiếp tục một cách hiệu quả, thực chất; Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của bộ máy thực thi; Có cơ chế để giám sát thực thi, đánh giá hiệu quả hoạt động một cách độc lập; Vai trò theo dõi, giám sát của các bên độc lập, của các hiệp hội, doanh nghiệp và của cơ quan truyền thông; Thúc đẩy các hoạt động tham vấn rộng rãi và thực chất hơn nữa.

Với vai trò doanh nghiệp, đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh bày tỏ, cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng Nghị quyết số 02/NQ-CP sẽ tháo gỡ một cách căn cơ, dứt điểm các rào cản, tồn tại về thể chế.

Trong lĩnh vực thực phẩm, nghị quyết đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan địa phương nghiêm túc thực hiện quy định tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 1 lần và không được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định của pháp luật. Quy định này sẽ cởi trói rất nhiều cho doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ Y tế cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết. Hy vọng những bất cập, tồn đọng mà các doanh nghiệp thực phẩm đã nhiều lần kiến nghị sẽ sớm được giải quyết triệt để.

Theo đó, đại diện Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đề xuất, để tạo động lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cần có cơ chế xử lý, xử phạt đối với các bộ ngành, các trường hợp chậm hoặc không thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ trong thực thi nghị quyết. Đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách bằng việc bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá. Quá trình thực thi nghị quyết phải bám sát kết quả triển khai từng nội dung của từng bộ ngành được giao./.

Hương Lan