Từ tháng 11/2021, Tiền Giang đã chuyển giai đoạn chống dịch COVID-19 sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Qua đánh giá cấp độ dịch, Tiền Giang đang ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình), 10/11 huyện, thành, thị ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) và 1 huyện là Tân Phước đang ở cấp độ dịch 3 (nguy cơ cao).
Theo Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Liêm, thực hiện phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng đáp ứng tại từng doanh nghiệp.
Hiện tại, tỉnh có 85 doanh nghiệp với gần 70.000 lao động chọn phương án tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày; 85 doanh nghiệp với trên 5.900 lao động chọn phương án “3 tại chỗ” và 2 doanh nghiệp với trên 700 lao động chọn kết hợp giữa phương án “3 tại chỗ” và đi, về hàng ngày.
Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã có những cách làm hay, nhanh chóng khôi phục sản xuất – kinh doanh vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà máy bia Heneiken Việt Nam – Tiền Giang chọn phương án tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày với số lượng 330 lao động đang làm việc. Tại đây, Tổ an toàn COVID-19 của công ty thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh tại nơi người lao động lưu trú để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Trong trường hợp nơi lưu trú của người lao động (cấp xã) được công bố cấp độ dịch cấp 3, cấp 4, Tổ sẽ đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp chuyển người lao động đến lưu trú tại các cơ sở đủ điều kiện (có thu phí) nhằm đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả phù hợp tình hình mới.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nissei Electric MyTho cũng chọn phương án tổ chức cho 1.619 lao động đi, về hàng ngày. Tuy nhiên, để sản xuất an toàn phòng, chống dịch bệnh, công ty chia người lao động thành từng nhóm nhỏ từ 50 - 100 người/nhóm nhằm quản lý và sắp xếp, bố trí hợp lý thời gian vào, ra nhà máy, thời gian ăn, thời gian nghỉ giữa ca bố trí lệch với các nhóm khác nhằm hạn chế tiếp xúc, ngăn chặn nguồn lây nhiễm và truy vết kịp thời khi phát hiện ca nhiễm, khoanh vùng, dập dịch.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – Chi nhánh Nhà máy Tiền Giang, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang chọn phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa không đứt gãy chuỗi sản xuất – cung ứng sản phẩm cho thị trường nhưng kèm theo đó, giải quyết thêm các chế độ ưu đãi hỗ trợ nhằm khuyến khích người lao động trực tiếp làm việc, tham gia phương án và gắn bó doanh nghiệp lâu dài.
Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Liêm cho biết, trước đó, trong nỗ lực khôi phục sản xuất phù hợp với cấp độ dịch, tỉnh đưa ra 3 phương án để doanh nghiệp chủ động lựa chọn khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh gồm: tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày; kết hợp “3 tại chỗ” với tổ chức đi, về hàng ngày; “3 tại chỗ”.
Đồng thời, Tiền Giang yêu cầu các doanh nghiệp khi bố trí sản xuất cho người lao động phải dựa trên phương châm chủ động và “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”; định kỳ thực hiện xét nghiệm, tầm soát và sàng lọc COVID-19 cho người lao động theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp chú trọng phát huy vai trò các Tổ an toàn COVID-19 tại doanh nghiệp. Các Tổ an toàn COVID-19 tại doanh nghiệp có nhiệm vụ quan tâm cập nhật tình hình dịch bệnh tại địa phương, nơi người lao động lưu trú để quản lý, sử dụng lao động phù hợp cũng như tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống COVID-19 trong thời gian làm việc, không để dịch bệnh tái bùng phát trở lại.
Tiền Giang cũng thành lập các Tổ Công tác hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp khôi phục sản xuất - kinh doanh theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gồm thành viên Ban Quản lý Các khu công nghiệp, các cấp, các ngành hữu quan trực tiếp hướng dẫn doanh nghiệp lựa chọn phương án khôi phục sản xuất phù hợp gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp cho người lao động cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tại nơi lưu trú, trong quá trình di chuyển đến nơi làm việc và tại nơi làm việc khi tham gia một trong ba phương án mà doanh nghiệp lựa chọn với yêu cầu đảm bảo sản xuất phải an toàn và an toàn mới sản xuất.
Ngoài ra, UBND tỉnh Tiền Giang cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiêm ngừa, xét nghiệm và chỉ đạo xử lý các ổ dịch phát sinh tại doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, không để lây lan ra cộng đồng. Nhờ vậy, tại các doanh nghiệp đang khôi phục hoạt động theo phương án tỉnh đưa ra tình hình sản xuất - kinh doanh đang đi vào nề nếp, phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm đúng quy định và an toàn./.