Tại đình Tây chợ Vinh nơi tập trung các mối đổ sỉ các loại hàng bánh, kẹo, mứt, các loại hạt phục vụ thị trường Tết. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên thị trường có phần trầm lắng hơn, người mua sắm còn thưa thớt, không sôi động bằng các năm trước. Tuy nhiên, lượng hàng hoá vẫn được nhập về đa dạng, phong phú.
Bước chân vào các gian hàng, khách dễ hoa mắt trước hàng chục loại bánh kẹo, mứt đủ sắc màu được đựng trong các túi bóng trong suốt, trong các rổ, sọt nhựa, các thùng giấy. Kẹo dẻo, thạch, bánh quy, kẹo sô-cô-la… các loại với nhiều màu sắc, kiểu dáng bắt mắt với đủ thứ chữ từ Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc…Song lại rất khó tìm kiếm các thông tin cơ bản về sản phẩm như: Nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng.
Song lại rất khó tìm kiếm các thông tin cơ bản về sản phẩm như: Nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng. Theo quan sát, hầu hết các loại bánh kẹo mứt này đều không có hạn sử dụng trên bao bì, thông tin về nguồn gốc xuất xứ được in bằng dòng chữ nhỏ xíu, mờ; nhiều loại thì cả bao bì 5-10kg chỉ có một miếng giấy bằng hộp diêm ghi sơ sài nguồn gốc, thành phần và ngày sản xuất được viết bằng bút bi… Riêng đối với những loại kẹo bánh được tiểu thương giới thiệu là “nhập ngoại” thì không có phụ đề tiếng Việt, cũng không có hạn sử dụng trên các sản phẩm. Giá cả của các loại sản phẩm này khá rẻ, chỉ từ 45.000 đồng – 200.000 đồng/kg.
Kẹo, bánh chí ít còn có một số thông tin ít ỏi và mù mờ về nơi sản xuất, thành phần ở trên vỏ kẹo. Còn đáng lo ngại nhất là những bì mứt từ mứt dừa, bí, mứt khoai tây, mứt gừng, mứt ki-wi, dâu tây và các loại hạt như hạt hướng dương, hạt thông, hạt hạnh nhân, hạt dẻ cười… đều được bày bán lộ thiên, không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng. Vừa cân nho khô cho khách, chị Võ Hằng, chủ một quầy hàng kẹo bánh ở đình Tây chợ Vinh cho biết: “Giá rẻ, hàng đẹp là do không tốn kém chi phí bao bì sản phẩm. Hàng được nhập về theo đầu yến, theo các túi bóng lớn để thuận tiện cho khách mua sỉ, mua lẻ. Nhãn mác, hạn sử dụng có ở bao bì lớn, nay xé lẻ ra để bán nên không có đâu. Thử “ngon – bổ - rẻ” thì mua chứ quan tâm làm gì bao bì nhãn mác”.
Có cung ắt có cầu, do giá rẻ, mẫu mã đa dạng, bắt mắt nên các loại kẹo, mứt, các loại hạt này vẫn thu hút lượng lớn người mua, nhất là người dân các huyện. Chị T.D, chủ một đại lý ở đường Ngô Đức Kế cho biết: “Bánh kẹo đa dạng lắm. Loại thật thì giá đắt, loại nhái thì rẻ. Khách ưng loại nào có loại đó. Cửa hàng chúng tôi bán lẻ ít lắm, chủ yếu xuất sỉ cho các đại lý vùng nông thôn. Cả mùa Tết thì lượng hàng bánh kẹo lên đến đầu tấn. Bánh kẹo, mứt bán theo cân thì nhập chủyếu từ Hà Nội, Trung Quốc về. Khách đến mua, họ chỉ quan tâm đến giá cả chứ ít người hỏi về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ”.
Bên cạnh các loại bánh kẹo bán theo cân, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng thì rất nhiều cửa hàng, đại lý bánh kẹo ở Vinh và các huyện bày bán tràn lan các loại bánh kẹo nhái thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, rất khó để phân biệt đâu là hàng chính hãng, đâu là hàng “ăn theo” bởi nhìn phía ngoài rất giống nhau, chỉ có mức giá là chênh nhau khá nhiều.
Không chỉ bánh kẹo, tại các gian hàng khô ở các chợ dân sinh, các loại cá khô, mực khô, tôm nõn… cũng được bày bán đa dạng, phong phú vào dịp cận Tết. Điều đáng nói, tất cả các mặt hàng này đều không có bao bì, nhãn mác, hạn sử dụng. Khi người mua thắc mắc thì được chủ hàng trả lời là hàng mới, đảm bảo chất lượng bằng uy tín, danh dự. Bên cạnh đó, các mặt hàng như giò chả, xúc xích, ruốc bông, chân giò rút xương, thịt xông khói, lạp xưởng… cũng chung tình trạng “ba không” (Không nguồn gốc xuất xức, không bao bì nhãn mác, không hạn sử dụng).
Trong đó, có một số mặt hàng phải bảo quản bằng cách cấp đông song lại được bày bán dưới nhiệt độ ngoài trời, thực phẩm bán không hết, bị rã đông sau đó lại cấp đông trở lại nên không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời điểm này, các trang mạng xã hội facebook tràn ngập các quảng cáo bán hàng thực phẩm với những lời tiếp thị hấp dẫn như: Hàng siêu sạch, rau sạch, thịt sạch, của nhà tự trồng… Các loại thực phẩm được quảng cáo bán nhiều như thịt gà quê, thịt lợn sạch, hay các loại hoa quả, đồ ăn chín đã chế biến như giò, chả, nem chua, bánh chưng Tết… Khi được hỏi về nguồn gốc, những người bán hàng trên mạng đều cho biết, hàng nhập về bán đều là hàng quê mua từ nông dân nên đó là thực phẩm sạch, không cần giấy tờ kiểm định. Nắm bắt thị hiếu chuộng đồ quê, đồ sạch của các bà nội trợ nên có nhiều người đã gom hàng trôi nổi, gắn mác hàng quê để bán giá cao, kiếm lời bất chính. Do đó, rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, ngoài kiểm soát hàng hóa trên thị trường, đẩy mạnh kiểm soát hoạt động buôn bán, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với hàng buôn bán qua mạng.
Cận Tết là thời điểm hàng giả hàng nhái tràn lan thị trường và diễn biến phức tạp. Trước khi chờ các ngành chức năng vào cuộc kiểm tra, kiểm soát, xử lý thì mỗi người tiêu dùng cần phải hết sức cẩn trọng trong việc mua sắm dịp Tết. Người tiêu dùng cần chú ý lựa chọn sản phẩm đến từ các thương hiệu uy tín trên thị trường, không nên mua các sản phẩm trôi nổi không nhãn mác, không rõ xuất xứ. Đồng thời, phải chú ý kỹ các thông tin về nơi sản xuất, thành phần, ngày sản xuất, hạn sử dụng và cách bảo quản sản phẩm, công bố phù hợp quy định ATTP được in trên bao bì.