Nghệ An: Thành quả từ việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trên các lĩnh vực

Trong thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)/chuyển đổi số được tỉnh Nghệ An tích cực triển khai sâu rộng và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, người dân tích cực tham gia sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng CNTT/chuyển đổi số góp phần làm cho đời sống số ngày càng được nâng cao, các tiện ích số từng bước được đưa vào đời sống hàng ngày.
img-7485-1716823601.jpg
Trung tâm Hành chính công tỉnh Nghệ An giải quyết thủ tục nhanh, gọn cho người dân thông qua các ứng dụng CNTT.

Ngay sau khi có Nghị quyết số 36-NQ/TW, tỉnh Nghệ An đã ban hành các văn bản để thực hiện nhằm thể chế hóa nghị quyết bảo đảm việc triển khai ứng dụng CNTT/chuyển đổi số một cách bền vững, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu kết nối liên thông giữa các hệ thống. Tỉnh đã huy động tổng thể các nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin đồng bộ, kết nối liên thông, đáp ứng yêu cầu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp; nhu cầu sử dụng của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách bao trùm nhiều hoạt động ứng dụng CNTT.

Đến nay, 100% cán bộ, công chức có máy tính sử dụng, kết nối internet cáp quang băng rộng và mạng Truyền số liệu chuyên dùng (TSLCD). Các nền tảng số/phần mềm dùng chung của cơ quan nhà nước đều được vận hành trên nền tảng điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp, bảo đảm an toàn thông tin. Hệ thống chữ ký số đã triển khai tại 21 Sở, ban, ngành, 21 huyện, thành, thị và 460/460 UBND cấp xã và 100% các đơn vị sự nghiệp thuộc các Sở, ban, ngành, huyện trong tỉnh.

Ngoài ra, các ngành, lĩnh vực cũng đang đưa vào khai thác, vận hành các hệ thống thông tin ngành dọc liên thông các cấp để phục vụ các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị như y tế, giáo dục, kế hoạch và đầu tư, nội vụ, tài nguyên và môi trường, tài chính, giao thông vận tải, du lịch,…

Cùng với đó, tỉnh đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, hoàn thành xây dựng quy chế quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước tỉnh; tổ chức nâng cấp, bổ sung chức năng kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; đưa vào vận hành Hệ thống thu thập, thẩm định và chia sẻ dữ liệu tỉnh Nghệ An (data.nghean.gov.vn). Dữ liệu cơ quan nhà nước kết nối vào kho dữ liệu đều được triển khai trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), đồng thời kết nối tới nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP/NDXP) để khai thác 23 dịch vụ đã sẵn sàng cung cấp với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia.

Tính đến ngày 07/02/2024, các ngành chức năng đã làm sạch 451.343/434.900 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, đạt 103,78%. Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt Công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác làm sạch dữ liệu dân cư, qua đó cơ bản dữ liệu dân cư đáp ứng “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

img-7484-1716823771.jpg
Chuyển đổi số giúp chính quyền từ tỉnh đến các địa phương tại Nghệ An nâng cao hiệu quả trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Hiện nay, 100% các thủ tục hành chính đã được công bố, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh; 100% hồ sơ được giải quyết theo quy trình điện tử và được công khai trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Việc tổ chức thực hiện kịp thời, quyết liệt đã tạo lập được cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông rộng khắp, đồng bộ, công nghệ hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT cho cơ quan nhà nước và nhu cầu sử dụng của người dân, doanh nghiệp.

Tính đến nay, 100% cán bộ, công chức và trên 50% viên chức thuộc các cơ quan nhà nước đã được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số và an toàn thông tin qua các lớp trực tiếp cũng như trực tuyến./.

Quốc Cường