Cùng với đó, tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương liên quan triển khai quyết liệt việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm; chỉ đạo để đưa vào hoạt động các dự án mới trong năm 2022 như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị chính xác Goertek, Tổ hợp sản xuất vật liệu xây dựng công nghệ cao Nghi Văn, Nhà máy may Minh Anh - Tân Kỳ, Nhà máy May Quang Vinh, giai đoạn 2 Nhà máy sản xuất và gia công dày dép Viet Glory, Dự án sản xuất mỹ nghệ công nghiệp Gift Story, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Plastic Gia Nhật Việt Nam, Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi Thành Đô...
Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư các dự án; trong đó tập trung các nội dung như: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Khu công nghiệp Hoàng Mai II và Dự án Khu công nghiệp Thọ Lộc; hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án Khu công nghiệp VSIP, WHA, Hoàng Mai I, Dự án Goertek, Dự án Everwin, Dự án cảng nước sâu Cửa Lò; rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ trong Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp trên địa bàn.
Từ đầu năm đến nay, Nghệ An đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 16 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 954,67 tỷ đồng; điều chỉnh 12 lượt dự án; trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho 5 dự án, tăng 9.292,24 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10.246,91 tỷ đồng.
Tại Nghệ An, do đặc thù điều kiện tự nhiên và những khó khăn nội tại khác nên việc thu hút các dự án đầu tư vào địa phương luôn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; hàng năm, các dự án thu hút đầu tư chưa đạt được như kỳ vọng và mong muốn.
Khắc phục tình trạng trên, hiện nay đối với các dự án đã thu hút đầu tư thành công, tỉnh đã có nhiều đổi mới trong xúc tiến, thu hút và triển khai các dự án đầu tư; gắn với đó luôn tạo điều kiện, thực hiện các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, phát huy tốt hiệu quả các dự án đầu tư. Tỉnh xác định đây là việc làm không chỉ tăng thu cho ngân sách, giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu tại địa phương nơi có dự án đầu tư.
Với quan điểm này, thời gian qua các địa phương và các ngành trong tỉnh đã chỉ đạo khai thác tối đa công suất các nhà máy chế biến đang hoạt động để thúc đẩy tăng trưởng, như các nhà máy bia (Sài Gòn-Sông Lam, Sài Gòn-Nghệ An, Hà Nội-Nghệ An), nhà máy xi măng (Sông Lam, Tân Thắng, Hoàng Mai), Nhà máy giày da Đỉnh Vàng, Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare-ICT, Nhà máy sản xuất cá ngừ Fescol Tuna, nhà máy may, chế biến thủy sản, chế biến chè./.