Thay đổi tập quán chăn nuôi từ mô hình vịt Bầu Quỳ thương phẩm
Vịt Bầu Quỳ là giống vịt bản địa, có khả năng sinh sản và cho chất lượng thịt, trứng thơm ngon, độ dinh dưỡng cao. Trước đây, vịt Bầu Quỳ được nuôi phổ biến ở vùng Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, song do tập quán chăn nuôi của bà con còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính chất tự cung, tự cấp, việc tiêm phòng vắc-xin chưa tuân thủ theo khuyến cáo nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Bên cạnh đó, do giống vịt này nhỏ, chậm lớn hơn các loại vịt lai nên dần mai một… Để bảo tồn giống vịt Bầu Qùy và chuyển giao phương thức chăn nuôi vịt hiệu quả cho các hộ nông dân, năm 2021, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Qùy Hợp phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ AN triển khai mô hình nuôi vịt Bầu Quỳ thương phẩm tại xã Châu Đình.
Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 6 năm 2021, quy mô 500 con với sự tham gia của 3 hộ dân bản Cáng, xã Châu Đình. Tham gia mô hình các hộ được hỗ trợ về con giống, thức ăn, thuốc thú y, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách xây dựng chuồng trại, vệ sinh sát trùng và các biện pháp phòng bệnh cho vịt theo hướng an toàn sinh học.
Bà Vi Thị Tâm, một hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, chăn nuôi của gia đình chủ yếu theo phương thức truyền thống, chăn thả tự nhiên, ít khi phòng bệnh nên hiệu quả không cao. Nay, tham gia mô hình, được tiếp cận với kiến thức chăn nuôi an toàn, được “cầm tay chỉ việc” từ cách làm chuồng, cách vệ sinh, cách tiêm phòng vắc xin… và áp dụng vào thực tiễn thì thấy hiệu quả hơn hẳn. Vịt sinh trưởng, phát triển tốt, không mắc bệnh, không chết yểu”.
Sau 3 tháng triển khai mô hình, tỷ lệ vịt sống đạt 95%; trọng lượng trung bình đạt từ 2,2 kg/con. Giá bán trung bình 80.000- 90.000đ/kg, lãi gần 30 triệu đồng. Bà Lê Thị Ngọc, Chuyên viên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: “Ngoài giá trị kinh tế mang lại thì cái được lớn nhất của mô hình là thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung, quy mô, có đầu tư về kinh tế, kỹ thuật, chăn nuôi mang tính chất hàng hóa cho bà con. Đặc biệt, duy trì bảo tồn và phát triển nguồn giống vịt địa phương. Hiện, mô hình đã kết thúc nhưng lại được bà con nhiều địa phương trong huyện nhân ra diện rộng, nhất là các xã: Châu Quang, Châu Cường, Châu Thành".
Phá thế độc canh từ mô hình trồng xen cây họ đậu
Những năm gần đây, mía là cây trồng đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Tuy nhiên, do độc canh nên diện tích đất trồng mía chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả kinh tế, mặt khác, việc trồng mía trong thời gian dài đã khiến cho đất trở nên cằn cỗi làm giảm năng suất cũng như chất lượng của cây mía.
Với mục tiêu bảo đảm phát triển bền vững các vùng nguyên liệu mía, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An phối hợp huyện Quỳ Hợp triển khai mô hình: “Trồng xen cây họ đậu trong ruộng mía trồng mới” tại xóm Đại Thành, xã Văn Lợi với quy mô 4ha, 5 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 100% lạc giống, một phần giống mía, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... cho đến kỹ thuật, quy trình từ khâu gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch.
Sau hơn 3 tháng trồng lạc xen canh mía, kết quả nghiệm thu cho thấy: Năng suất Lạc L27 thu đạt 1,5 tấn/ha, với giá bán 30.000đ/kg thì người dân còn có nguồn thu thêm khoảng 45 triệu đồng/ha/vụ. Với cây lạc được trồng xen canh, trừ chi phí còn lãi khoảng gần 20 triệu đồng/ha/vụ.
Đặc biệt, nhờ trồng xen cạnh nên đất trồng mía tơi xốp, màu mỡ, giữ được độ ẩm ruộng mía và hạn chế cỏ dại, tăng thêm nguồn thu nhập, giúp người dân có nguồn thu để “lấy ngắn nuôi dài”. Tuy mới được thực hiện với quy mô nhỏ, song mô hình thực sự đã mở ra hướng mới cho bà con trồng mía trong việc nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Và điều quan trọng hơn, mô hình giúp bà con nơi đây dần thay đổi thế sản xuất độc canh truyền thống. Hiện tại, mô hình đã được nhân ra diện rộng ở nhiều địa phương vùng nguyên liệu mía như: Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Tam Hợp, Hạ Sơn...
Chủ động thức ăn, chăn nuôi sạch từ mô hình nuôi giun quế
Cuối năm 2021, được hưởng lợi từ mô hình “Nuôi giun quế làm thức ăn cho gà”, anh Võ Văn Dũng (Xóm Xuân Đình, xã Châu Đình) được hỗ trợ giống giun quế và 300 com gà giống 1 ngày tuổi, một phần thức ăn, vắc-xin phòng bệnh cho gà và được hỗ trợ kỹ thuật nuôi giun quế. Trên diện tích 150m2 chuồng nuôi giun, đều đặn 45 ngày cho thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa 150kg giun quế vừa làm thức ăn cho đàn gà 300 con, giá bán 100.000 đồng/kg mang lại nguồn thu khá cho gia đình anh Dũng.
Anh Võ Văn Dũng cho biết: “Gia đình tôi làm gia trại, chăn nuôi nhiều nhưng trước đây thức ăn cho gia cầm phụ thuộc vào cám công nghiệp và lúa, ngô. Được hưởng lợi từ mô hình khuyến nông, nắm bắt kỹ thuật nuôi giun quế nên thức ăn cho gà hoàn toàn chủ động, ngoài ra còn có giun quế xuất bán cho các hộ chăn nuôi khác. Phân gà làm thức ăn cho giun, giun làm thức ăn cho gà thành một vòng tròn khép kín vừa tận dụng được chất thải, vừa đảm bảo yếu tố môi trường. Đặc biệt, gà ăn giun quế, vừa là thức ăn tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng, nhanh lớn, thịt chắc, thơm ngon và sạch nên được thị trường ưa chuộng”.
Ước tính sau 1 năm mô hình cho doanh thu khoảng 175 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, phân giun phân giun bột dùng để bón cây ăn quả, rau sạch, phân viên nén dùng để bón hoa lan, hoa hồng, cây cảnh… rất hiệu quả.
Ông Trịnh Hữu Hiến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: "Các mô được thực hiện trên địa bàn huyện đã mang lại một hướng đi mới cho bà con trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài hiệu quả về kinh tế đem lại thì việc thay đổi tư duy, tập quán trong sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực: Thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hoá; biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi; chủ động thức ăn trong chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi sạch, an toàn; biết trồng xen canh, đa canh để cải tạo đất, phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Có thể đánh giá, các mô hình đã mở ra sinh kế bền vững cho bà con các địa phương miền núi ở Quỳ Hợp”.