Theo BHXH Việt Nam, đến cuối tháng 1, các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội là 25.940 tỷ đồng, tăng gần 3.900 tỷ so với cùng kỳ, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Để giảm nợ đọng các loại bảo hiểm, thời gian tới BHXH Việt Nam cho biết, cơ quan sẽ tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các doanh nghiệp chưa đăng ký đóng, đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp không đầy đủ; doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên.
Tính đến hết tháng 1/2023, cả nước có gần 17,3 triệu người tham gia BHXH, đạt tỷ lệ bao phủ là 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (lực lượng lao động trong độ tuổi năm 2023 tạm tính là 46,12 triệu người theo thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý 4/2022 của Tổng cục Thống kê); tăng 648.000 người so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2022, cả nước có khoảng 17,5 triệu người đóng BHXH, chiếm 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng hơn 950.000 người so với năm 2021. Trong đó, 16 triệu người đóng BHXH bắt buộc và gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.
Bắc Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Phú Thọ và Hòa Bình bị giảm số người tham gia BHXH bắt buộc, từ 0,1 đến 2,5% so với cùng kỳ.
Theo ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (BHXH Việt Nam), năm 2022, tại nhiều doanh nghiệp, đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, việc làm, thu nhập của người lao động.
Bên cạnh đó, do hậu quả của đại dịch COVID-19, đời sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đã tác động mạnh đến công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế.
Năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục tăng cường triển khai đồng bộ các giải pháp linh hoạt, hiệu quả ngay từ đầu năm. Đến hết tháng 1/2023, cả nước có gần 17,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi; tăng 648 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022.