Mục tiêu chung là nhằm tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành Công Thương, trong đó tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành, tạo sự bứt phá và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững lĩnh vực công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2025 đạt 16,5% - 17%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt 17,5% - 18%/năm; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng bình quân từ 14 - 15%/năm. Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1 - 1,5%/năm. Tập trung phát triển ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành phù hợp với tiềm năng lợi thế so sánh của tỉnh, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến năm 2030, ngành công nghiệp chiếm khoảng 28 - 29% GRDP tỉnh.
Phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới như pin nhiên liệu hydro, khí hóa lỏng LNG, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối phù hợp với Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.
Đồng thời, tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao, chú trọng mở rộng xuất khẩu đối với các sản phẩm có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.
Ưu tiên phát triển các mô hình kinh tế tiêu dùng mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế đêm, kinh tế du lịch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thương mại điện tử... Hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.
Phát triển các trung tâm tiêu dùng theo vùng và địa bàn, gắn phát triển các trung tâm mua sắm với các trung tâm du lịch, các địa bàn tập trung sản xuất công nghiệp và dịch vụ; ưu tiên phát triển thị trường nông thôn, miền núi, biên giới, cửa khẩu. Tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử đến giai đoạn 2026 - 2030.
Nâng cao năng lực hội nhập cho các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp để khai thác một cách hiệu quả các lợi ích từ hội nhập. Gắn kết hội nhập với thực thi định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững./.