Nghệ An: Những "quả ngọt" từ chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Sau 4 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến thời điểm này, Nghệ An đã gặt hái được nhiều thành quả. Toàn tỉnh có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước, Nghệ An đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm đạt hạng sao được công nhận. Chương trình đã góp phần cải thiện thu nhập, gia tăng việc làm cho người dân địa phương.
ocop-1689986542.jpg
Nghệ An hiện đang đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt sao

Không chỉ có sự đột phá về thứ hạng và số lượng sản phẩm OCOP đạt sao mà chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại Nghệ An đã mang lại những “quả ngọt” cho chính những người tạo ra sản phẩm, cho địa phương và cho cả ngành Nông nghiệp. Đó là tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, chương trình đã phát huy được vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tạo ra các sản phẩm mang đậm “hơi thở” của các vùng miền xứ Nghệ. Điển hình như: Sản phẩm Dệt Thổ cẩm gắn với các Làng du lịch cộng đồng (Homestay) bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu; bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê) huyện Con Cuông, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 hộ với 205 lao động, thu nhập bình quân 3,8 - 4,2 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.

Việc sản xuất, chế tạo ra các sản phẩm OCOP theo lối tư duy hiện đại, với quy trình kiểm soát chặt chẽ theo các tiêu chí đã góp phần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó đã tăng thêm lợi nhuận cho những người sản xuất. Nhiều dòng sản phẩm đã gia tăng lợi nhuận hàng năm từ 10 - 15% như: Sản phẩm thủy sản của Công ty cổ phần Biển Quỳnh; Dược liệu của Công ty dược liệu Pù Mát; Lạc của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Sỹ Thắng; Sen của Hợp tác xã nông nghiệp (HTX) Sen quê Bác; Thịt bò giàng của HTX sản xuất và kinh doanh bò giàng Thảo Hảo; Hương trầm của Công ty TNHH Hương trầm Liên Đức; Giò bê Chung Tài của hộ sản xuất Lê Đình Chung...

6188f5ec369b3b7a63047715-ocop-na2-high-1689935871.jpg
Nhiều sản phẩm OCOP Nghệ An đã có mặt trong siêu thị GoI C Vinh (tên cũ là BigC Vinh)

Nghệ An xác định không chỉ tạo ra các sản phẩm để được công nhận và đạt sao mà đi kèm với đó là nâng cao chất lượng, là khẳng định thương hiệu. Hướng đi đó sẽ tạo ra chiều sâu, điểm nhấn và sức hút cho các sản phầm với một chiến lược dài hơi. Nhìn chung các sản phẩm OCOP của Nghệ An đều đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc và tạo được thương hiệu không chỉ với địa phương mà trên địa bàn cả nước và đang hướng tới xuất khẩu. Khi nhắc đến dược liệu Pù Mát, các sản phẩm làm từ Sen Quê Bác hay là dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái miền Tây xứ Nghệ thì khách hàng sẽ nghĩ ngay đến vùng đất Nghệ An. Đó là những thành quả không nhìn thấy được nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc bảo tồn, phát huy nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung và xứ Nghệ nói riêng.

Quốc Cường