Nghệ An đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm đạt sao OCOP

Theo ghi nhận, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An đã có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Đến nay, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại Nghệ An đã có sự phát triển ấn tượng. Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Sau 4 năm triển khai chương trình, dù thực hiện trong điều kiện khó khăn do điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, dịch bệnh hoành hành, nhưng đến nay, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của tỉnh dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại; chất lượng, giá trị, thu nhập người dân ngày càng nâng cao.

nghe-an-1680411190.jpg
Đặc sản bò giàng Kỳ Sơn - sản phẩm OCOP nổi tiếng của Nghệ An. (Ảnh: Báo Lao động)

Theo ghi nhận, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An đã có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Các sản phẩm được phân theo 6 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm; Nhóm đồ uống; Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; Nhóm sinh vật cảnh; Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Cụ thể: 43 sản phẩm đạt 4 sao; 359 sản phẩm đạt 3 sao và có 1 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đã trình Trung ương đánh giá công nhận (trong số sản phẩm 3 sao có 9 điểm du lịch nông thôn). Với số lượng này, Nghệ An đứng thứ 2 cả nước về số lượng sản phẩm đạt sao OCOP.

Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, rõ nhất là thông qua những cơ chế, chính sách thiết thực hỗ trợ về đầu tư, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm…

Tỉnh Nghệ An xác định mục tiêu đến hết năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, mỗi huyện có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Hiện nay, Nghệ An chú trọng phát triển các Hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu có ít nhất 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Đồng thời phấn đấu tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...).

Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu đưa sản phẩm OCOP có chỗ đứng bền vững trên thị trường, Nghệ An cần tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Đồng thời, cần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP"; tăng cường chuyển đổi số; xây dựng các mô hình để nhân rộng tạo động lực phát triển sản phẩm./.

Ánh Dương (t/h)