Trong số đó, nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 3,61 tỷ USD, chiếm 90,4% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm này gồm có: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng, linh kiện điện tử, hoa quả chế biến, hạt nhựa, bao bì...
Theo đó, Nghệ An đã xây dựng kế hoạch với nhiều giải pháp như đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng kết cấu hạ tầng động bộ, tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế. Đồng thời, tỉnh nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết, ngành tập trung rà soát, hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách trong thông quan hàng hóa xuất khẩu nhằm tránh chồng chéo; xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, cải tạo nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi tại khu vực cửa khẩu biên giới và cảng biển, mở rộng khơi thông luồng lạch tại cảng biển để tàu trọng tải lớn ra vào thuận lợi; đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng kỹ thuật dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu xuất khẩu về lâu dài.
Cùng với đó, ngành sẽ nâng cao chất lượng cán bộ quản lý lĩnh vực xuất nhập khẩu về các lĩnh vực, thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...; tăng cường cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực xuất nhập khẩu, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thuế, hải quan, giám định chất lượng, kiểm dịch động thực vật, khử trùng... Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vào đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh tại Nghệ An.
Ngành công thương cũng sẽ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu; thường xuyên kết nối với doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt đối với nhóm ngành hàng xuất khẩu có lợi thế mạnh.
Những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Nghệ An đang có nhiều cơ hội thuận lợi nhờ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hiệu quả từ các Hiệp định thương mại thương mại tự do (FTA). Xu hướng chuyển dịch các dòng vốn đầu tư giai đoạn hậu dịch COVID-19, cùng với sự chuẩn bị tốt hạ tầng các khu công nghiệp như VSIP, WHA Hemaraj, hạ tầng giao thông, cảng biển, hàng không, đường sắt... cũng mở ra cơ hội để Nghệ An tạo dựng nguồn hàng thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Nghệ An vẫn chưa thực sự ổn định và bền vững. Giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu thấp, chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động giá rẻ, chưa có hàng hóa xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao để có thể tham gia vào khâu tạo ra giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
“Các Hiệp định thương mại thế hệ mới đã và đang được thực thi sẽ mang lại nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu nhưng cũng nhiều thách thức cho doanh nghiệp ở địa phương trong điều kiện sản xuất hàng hóa, năng lực cạnh tranh và hạ tầng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh còn hạn chế” - ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương phân tích.
Với quan điểm không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, ngành công thương đang thực thi hiệu quả cam kết và khai thác tốt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhất là thị trường trọng điểm chiến lược như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN…; đồng thời, nâng cao chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; xây dựng và phát triển một số thương hiệu mạnh cho hàng hóa xuất khẩu của địa phương.
Mặc dù chịu tác động của dịch COVID – 19, năm 2021 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Nghệ An đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 59,7% so với năm 2020, vượt 101% kế hoạch (1,2 tỷ USD). Đặc biệt, các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng vẫn đạt mục tiêu sớm hơn dự kiến. Những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện… cũng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15 - 25%.
Thị trường xuất khẩu hàng hóa tiếp tục được mở rộng. Đến nay, các doanh nghiệp Nghệ An đã xuất khẩu hàng hóa sang thị trường của hơn 150 nước và khu vực trên thế giới./.