Kim ngạch xuất khẩu của Kiên Giang khởi sắc trong tháng đầu năm

Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 71 triệu USD, bằng 9,1% kế hoạch năm, tăng hơn 37% so với tháng cùng kỳ năm 2021; trong đó, hàng nông sản gần 17 triệu USD, thủy hải sản trên 26,6 triệu USD, giày da 14,67 triệu USD, hàng khác hơn 12,6 triệu USD. Đây là tín hiệu tốt, khởi sắc trong hoạt động kinh tế ngoại thương của tỉnh Kiên Giang tháng đầu năm 2022.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là những sản phẩm chủ lực của tỉnh và tăng mạnh so với cùng kỳ như: gạo hơn 31.100 tấn, tăng 180%; tôm đông 280 tấn, tăng 16,6%; mực và bạch tuộc đông 1.500 tấn, tăng 71,4%; hải sản đông khác 2.700 tấn, tăng 21,9%; đồ hộp 570 tấn, tăng 21,5%; giày da hơn 1,1 triệu đôi, tăng 24,7%...

c258a72f356adc34857b-1611737237-1643612309.jpeg
Ảnh minh hoạ

Kim ngạch xuất khẩu những tháng cuối năm 2021 của tỉnh khá hiệu quả đã tạo đà xuất khẩu hàng hóa tăng trong tháng 1/2022. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tận dụng tốt Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp tìm được nhiều đơn hàng hơn, nhất là xuất khẩu gạo có tín hiệu lạc quan về sản lượng.

Các doanh nghiệp cũng đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đặc biệt chú trọng những thị trường có kim ngạch lớn như: Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Ghana, Bờ biển Ngà, Thái Lan, Nga... Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu thương mại biên giới duy trì phát triển, hàng hóa thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu chính Giang Thành trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công Thương và nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu của tỉnh, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là trước sự bùng phát mạnh của biến chủng virus mới Omicron, một số nước tái áp đặt các lệnh phong tỏa, hạn chế nhằm chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhất là chính sách "Zero-Covid" của Trung Quốc, khả năng sẽ tạo ra những đứt gãy đối với chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tháng 1/2022 và thời gian tới tiếp tục bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Bên cạnh đó, tình hình giá cả một số mặt hàng nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh xuất khẩu, tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường hoạt động kinh tế ngoại thương; đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể là theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19, nhằm linh hoạt tổ chức thực hiện các phương án sản xuất nông nghiệp an toàn, hiệu quả, nhất là hai sản phẩm nông sản chủ lực là lúa và tôm, cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng, tiêu thụ trong và ngoài nước để khôi phục thị trường; hỗ trợ về tuyển dụng, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi lao động, nhất là đối với lĩnh vực dệt may, giày da, thủy sản có sử dụng nhiều lao động nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động sản xuất chế biến.

Cùng với đó, ngành chức năng tỉnh tiếp tục cập nhật, thông tin, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định EVFTA, CPTPP và RCEP kết hợp thông tin cho doanh nghiệp tình hình giá cả các mặt hàng xuất khẩu, thị trường trong và ngoài nước để chủ động sản xuất kinh doanh. Ngành chức năng thường xuyên nắm bắt tình hình kinh doanh xuất khẩu của doanh nghiệp kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh và xuất khẩu./.